Tái diễn tình trạng cơi nới thùng xe chở quá tải tại 12 tỉnh, thành phố
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tháng 6/2019. Đáng quan ngại là việc tái diễn tình trạng xe tải các loại cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, công khai lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, đường đô thị, gây hư hỏng đường sá, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 6/2019, các Trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay kiểm tra 18.812 xe, trong đó có 2.167 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 11,5%), tước 750 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước trên 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn quản lý vận tải rộng, nên tình trạng cơi nới thùng xe, chở quá tải có chiều hướng tái diễn phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa, xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...
Cụ thể, qua theo dõi, giám sát và phản ánh về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe tải chở vật liệu xây dựng, xe container chở gỗ quá tải ngang nhiên lưu thông trên các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ qua 12 tỉnh, thành phố như: QL21B, QL21 từ TP Phủ Lý đi Cảng Bút Sơn (Hà Nam); đường Hồ Chí Minh và QL21 qua huyện Lương Sơn (Hòa Bình); huyện Phú Bình (Thái Nguyên); TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc); huyện Vân Đồn (Quảng Ninh); huyện Ba Vì (TP Hà Nội); huyện Mai Sơn, huyện Sông Mã (Sơn La); thị xã Cửa Lò về TP. Vinh (Nghệ An); huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); QL19B qua huyện Phù Cát (Bình Định); TP Biên Hòa (Đồng Nai); ĐT725 đến huyện Lâm Hà (Lâm Đồng); huyện Phú Giáo, huyện Chơn Thành (Bình Phước); cộng với tình trạng xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn đường bộ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả vẫn xảy ra.
Trước thực tế trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các địa phương tăng cường hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn; đồng thời, tập trung kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng...
Trong tháng 7/2019 và các tháng tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các địa phương, nhất là 12 tỉnh nêu trên thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ.