Tái diễn tình trạng nhiều cây xăng nghỉ bán: Người dân và doanh nghiệp lại vất vả
Tình trạng các cây xăng treo bảng 'hết xăng', 'hết xăng còn dầu' lại tái diễn khiến người dân, công nhân lao động phải khổ sở để tìm nơi đổ xăng. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước cho biết qua kiểm tra tới nay chưa phát hiện tình trạng 'găm hàng', các đại lý ngừng bán là do đang chờ nhập hàng. Theo người dân, chưa bao giờ việc tìm đổ xăng lại cực khổ như hiện nay.
Nhiều cây xăng thông báo hết xăng (ảnh chụp chiều 24-10)
Gian nan tìm xăng
Sau một tuần tạm lắng, tình trạng cây xăng nghỉ bán do hết xăng, chờ nhập hàng tiếp tục diễn ra làm cho việc sinh hoạt thường nhật của người dân bị xáo trộn, nhất là đối với công nhân lao động. Trưa 24-10, P.V Báo Bình Dương đã có mặt tại nhiều cây xăng treo bảng nghỉ bán, hết xăng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát để ghi nhận tình hình. Khi chúng tôi vừa qua trạm thu phí Suối Giữa, đến địa bàn phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân đi xe gắn máy phải đẩy bộ vì xe hết xăng. Tại cửa hàng xăng dầu nhượng quyền Petrolimex thuộc Công ty TNHH MTV Đại Hoàng Thái, nhân viên cửa hàng để bảng “hết xăng dầu”. Do bảng thông báo quá nhỏ, cửa hàng không kéo rào nên chúng tôi và nhiều người đi đường chạy vào đến bên trong mới thấy và đành quay xe trở ra.
Nhiều người dân khổ sở vì xe hết xăng phải dẫn bộ giữa trưa trên Quốc lộ 13.
Tiếp tục hành trình, khi đến cửa hàng xăng dầu chi nhánh Công ty TNHH Xăng dầu Phú Lợi, chúng tôi cũng được các nhân viên nơi đây cho biết cửa hàng đã hết xăng từ nhiều ngày trước. Tấm bảng thông báo trên tờ giấy A4 khiêm tốn in dòng chữ “hết xăng còn dầu” tiếp tục làm nhiều người đi đường mệt mỏi vì nhầm tưởng còn xăng, nhưng khi được thông báo đành thất vọng quay đầu xe. Trong khi đó, tại cửa hàng xăng dầu trên quốc lộ 13 gần Khu du lịch Đại Nam thuộc phường Tân Định, TX.Bến Cát cũng đã kéo rào, treo bảng sang mặt bằng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây chính là 1 trong 140 cây xăng bán lẻ đang dừng hoạt động vì giấy phép đã hết hạn, chủ cây xăng đang đăng bảng cho thuê để chuyển đổi công năng. Tại cửa hàng xăng dầu thuộc Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Trường Thịnh ở khu phố 2, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát không để bảng thông báo nhưng đã kéo rào nghỉ bán từ nhiều giờ trước. Biết chúng tôi là P.V, nhân viên quản lý cây xăng giải thích, cây xăng nghỉ bán là do không còn xăng chứ không phải “găm hàng”. Để chứng minh, nhân viên này lấy sổ ghi chép ra và cho hay từ sáng đến trưa đã bán hết khoảng 3.700 lít, gấp 3 lần so với ngày thường.
Hệ thống Petrolimex Sông Bé cho biết dù đã giảm căng thẳng so với 2 tuần trước nhưng hiện khối lượng bán ra tăng khoảng 20% so với ngày thường. (Trong ảnh: Xe tiếp xăng A 95 cho cửa hàng xăng dầu số 3 chiều 24-10).
Chia sẻ về hành trình gian nan tìm xăng để đổ giữa trưa nắng, ông Võ Trí Quang, ngụ phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, cho biết trong buổi trưa, từ Hòa Lợi ông di chuyển đến 3 cây xăng mà vẫn chưa đổ được. “Giờ không có xăng để đi, mai làm sao chở con đi học, rồi đi làm nữa. Chưa bao giờ người dân lại phải khổ, vất vả để tìm xăng đổ đến vậy. Người dân chúng tôi mong cơ quan Nhà nước ổn định vấn đề xăng dầu để an tâm đi lại, làm việc…”, ông Quang thở dài nói. Cùng tâm trạng lo lắng như ông Quang, chị Nguyễn Thu Hoa, nhà ở phường Tân Định, TX.Bến Cát, cho biết trong buổi trưa chị đã di chuyển rất nhiều cây xăng, kể cả ở phường khác để đổ nhưng tất cả đều thông báo hết xăng. “Công nhân lao động chúng em hầu hết đi xe gắn máy, đi làm bằng xe đạp thì không được vì quá xa. Ngày mai và những ngày tới đây không có xăng để đưa con đi học, đi làm thì em không biết sẽ thế nào. Tình trạng này kéo dài thì người dân sẽ rất khó khăn, vất vả”, chị Hoa lo lắng nói.
Cần giải pháp căn cơ
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Đình Tuấn, Phó Giám đốc Petrolimex Sông Bé, cho biết sau 2 tuần xăng dầu “căng thẳng” khi nhu cầu thị trường tăng đột biến, có thời điểm khối lượng bán ra đạt hơn 100% so với ngày thường, đến nay dù lượng hàng bán ra đã giảm do một số cửa hàng xăng đã buôn bán trở lại nhưng trong ngày 24-10, khối lượng bán ra ước tăng gần 20% so với ngày thường. Trong khi đó, đại diện Tổng kho Xăng dầu Chánh Mỹ thuộc Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, cho biết dù tình hình đã “hạ nhiệt” so với trước, nhưng khối lượng xuất kho cho các cửa hàng, đại lý và tổng đại lý của hệ thống vẫn tăng khoảng 20% so với ngày thường. Đại diện 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn của tỉnh cho biết vẫn bảo đảm nguồn xăng dầu cho cửa hàng chính thức nằm trong hệ thống.
Tổng Công ty TM-XNK Thanh Lễ cho biết đơn vị bảo đảm cung ứng nguồn xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý chính thức trong hệ thống để phục vụ thị trường.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh, cho biết trong ngày 24-10, nhận được thông tin phản ánh của người dân từ “đường dây nóng”, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra nhiều cửa hàng xăng dầu treo bảng nghỉ bán, hết xăng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đo đạc bồn chứa tại các cửa hàng xăng dầu, cơ quan này chưa phát hiện tình trạng “găm hàng”.
Ông Đông cho biết thêm, đến nay, việc 140/447 cửa hàng xăng dầu dừng hoạt động khiến giảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, gia tăng áp lực cho những đơn vị còn hoạt động. Bên cạnh những cửa hàng, đại lý được đơn vị đầu mối bảo đảm cung cấp để duy trì hoạt động, một số cửa hàng, đại lý gặp khó khăn trong việc tiếp nhận hàng, nhất là tình trạng đơn vị đầu mối cung cấp giảm số lượng cung ứng so với đơn hàng. Vì vậy nhiều cửa hàng bán lẻ phải chờ phân phối đủ sản lượng để tiết kiệm chi phí vận chuyển, từ đó dẫn đến nguồn hàng nhập chậm.
Ngày 24-10, nhận được tin báo từ người dân thông qua “đường dây nóng”, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra các cây xăng nhưng chưa phát hiện trường hợp găm hàng.
Nếu tình trạng này không được xử lý rốt ráo sẽ gây khó khăn, xáo trộn trong sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Công thương, các đơn vị nhập khẩu xăng dầu và đại lý phân phối trong tỉnh đã kiến nghị 2 vấn đề cần sớm xem xét, là việc điều chỉnh định mức chi phí kinh doanh đối với xăng dầu (950 đồng dành cho xăng và 1.050 đồng với dầu) được áp dụng từ năm 2016 đến nay hiện không còn phù hợp và chi phí vận chuyển, nhập khẩu từ nguồn, nhà máy hiện hành không thể bù đắp cho các chi phí đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đây. Cụ thể, theo tính toán hiện nay, nếu doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu thêm 500 đồng/lít thì tương ứng số tiền lỗ là 1.500 đồng. Qua đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần xây dựng chi phí tính giá cơ sở để phục vụ thị trường bán lẻ ổn định hơn trong thời gian tới.