Tái định cư để dân 'an cư'

Xã Phương Mỹ (nay là xã Điền Mỹ) huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được đầu tư số tiền hơn 40 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vùng lũ chuyển đổi nơi ở mới.

Dự án đã hoàn thành nhưng nhiều hộ không chịu chuyển đến. Nguyên nhân do khu tái định cư này quy hoạch trên khu vực nghĩa trang, chưa có nước sạch và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nếu mưa lũ xảy ra. Hơn 40 tỷ đồng là số tiền rất lớn cho khu tái định cư nhưng không có người ở là vô cùng lãng phí. Đặc biệt là bài toán di chuyển nhân dân, bảo đảm an toàn cũng như việc giải phóng mặt bằng và việc thực hiện quy hoạch của địa phương không thể hoàn thành do người dân vẫn bám trụ nơi ở cũ.

Tương tự là khu tái định cư làng Mường, xã Tô Mậu (Lục Yên, Yên Bái), xây dựng trên quả đồi ven Tỉnh lộ 171, hoàn thành năm 2016 với 34 lô liền kề, diện tích mỗi lô hơn 200m2. Thế nhưng đến nay, khu tái định cư này chỉ có duy nhất một hộ dân đến ở, còn lại bỏ hoang. Lý do khu tái định cư này cũng chưa có nước sinh hoạt và đất canh tác; đường lên khu tái định cư là đường cụt, độ dốc lớn, nguy hiểm khi đi lại...

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Còn rất nhiều khu tái định cư do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà khi dự án đã hoàn thành nhưng các hộ dân trong diện tái định cư vẫn không chuyển đến.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này, bảo đảm người dân có thể an cư ngay khi chuyển đến nơi ở mới? Bên cạnh việc nghiên cứu, đánh giá độ an toàn cho người dân trước thiên tai, cần bảo đảm nơi ở mới thuận tiện cho nhân dân phát triển kinh tế, có đủ đất ở cũng như đất sản xuất và quỹ đất dự phòng trước sự phát triển dân số; bảo đảm hạ tầng điện, đường, trường, trạm... đồng bộ và phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, bảo đảm tốt hơn nơi ở cũ.

Tránh bố trí khu tái định cư ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, hay những nơi trũng thấp, không bảo đảm an toàn, không có điều kiện phát triển kinh tế; hạn chế thấp nhất việc san ủi làm thay đổi kết cấu tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây nguy hiểm đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, việc thiết kế, xây dựng các khu tái định cư cần quan tâm đến phong tục, tập quán, văn hóa cộng đồng, nhất là các khu tái định cư cho người dân tộc thiểu số. Cần đặc biệt chú ý bảo đảm những điều kiện thiết yếu như điện, nước; chú trọng các công trình phụ, khu xử lý rác thải, thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất... Các khu tái định cư phải có các nhà văn hóa, nhà cộng đồng để nhân dân sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào và có thể sử dụng là nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng dân cư khi có tình huống bất trắc xảy ra...

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tai-dinh-cu-de-dan-an-cu-732647