Tái định nghĩa về 'bình thường' trong các bệnh tâm lý
Trong tác phẩm 'Huyễn tưởng về bình thường', bác sĩ y khoa người Canada Gabor Maté đã chỉ ra nghịch lý rằng vì sao ở đỉnh cao của nền y học khéo léo và tinh vi như ngày nay, ta lại chứng kiến ngày càng nhiều bệnh mạn tính về thể chất cũng như những thống khổ do các chứng bệnh về tâm thần và nghiện ngập? Từ đó, ông gợi ý về sự xuất hiện của 'văn hóa độc hại' và tái định nghĩa khái niệm 'bình thường'.
Từ thể lý đến tâm lý
Có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực y học và từng kinh qua nhiều vị trí từ bác sĩ sản khoa, bác sĩ gia đình đến điều hành một khoa chăm sóc giảm nhẹ, Maté là người tiên phong trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa bối cảnh cá nhân, xã hội và cảm xúc với sức khỏe hay bệnh tật mà nhiều người hiện đang gặp phải.
Ông đã viết nhiều tác phẩm về các bệnh lý cụ thể khác nhau, như rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, ung thư cũng như chứng nghiện (tựa Việt: Cõi sống của những con ma đói). Nhưng Huyễn tưởng về bình thường có thể nói là tác phẩm bao quát hơn cả, qua đó khẳng định toàn bộ đại dịch bệnh mạn tính (cả về tâm thần và thể chất) hiện có nguồn gốc từ chính nền văn hóa của chúng ta.

Bác sĩ Nguyễn Võ Văn Hiến (bìa phải) chia sẻ môi trường và xã hội mà ta đang sống cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chứng bệnh tâm thần.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Võ Văn Hiến (*) đồng ý với điều này, khi cho rằng ngoài các yếu tố về mặt sinh học, thì môi trường và xã hội mà ta đang sống cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chứng bệnh tâm thần. Bác sĩ Hiến dẫn ra trong đào tạo y khoa, khía cạnh sinh học tuy là nền tảng, được giảng dạy rất sâu, rất kỹ nhưng lại không thể giải thích được tất cả các trường hợp bệnh.
Do đó, “với lĩnh vực tâm thần, nếu chỉ xem xét biểu hiện mà không quan tâm đến bối cảnh thì sẽ không tìm ra bệnh”. Bác sĩ Hiến chia sẻ sau khoảng 5 năm học đại cương, khi được tiếp cận các bệnh trạng dưới góc nhìn mới thì bản thân đã quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Đến nay, Bác sĩ Hiến đã có hơn 7 năm kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị, đồng thời là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các rối loạn tâm thần và trị liệu tâm lý.
Vị chuyên gia cũng nói thêm ngành tâm thần học hiện nay có nhiều mô hình chẩn đoán khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất và được ứng dụng nhiều nhất phải kể đến tâm – sinh – xã (hay sự giao thoa giữa tâm lý, xã hội và sinh học). Từ đây, các bệnh trạng không chỉ đơn thuần là những bất thường về mặt sinh học mà còn phải để ý và quan tâm đến cả khía cạnh tâm lý và xã hội.

ThS. Lê Đào Anh Khương chia sẻ các mô hình đáng tham khảo của Đài Loan.
ThS. Lê Đào Anh Khương - Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Y học cộng đồng (Xã hội và Hành vi) tại Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, lại có cách tiếp cận ngược lại khi cho biết nhiều người có bệnh tâm lý tìm đến nhờ tư vấn lại là những người không hề chăm sóc cho thể lý. Anh ví von: “Như máy tính vậy, nó chạy tốt là vì cả phần cứng và phần mềm đều hoạt động hài hòa. Phần cứng – như thể lý – phải vững thì phần mềm mới trơn tru”, từ đó đưa ra kết luận “sinh học không ổn thì tâm lý không ổn”.
Ngoài điều này ra, ThS. Lê Đào Anh Khương chia sẻ một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý chính là thời gian. Theo đó, có những người thấy hiện tại rất đủ đầy nhưng lại không rõ mình bị tổn thương nơi đâu, khiến cuộc sống không được trọn vẹn. Đến khi tham vấn mới phát hiện ra những tổn thương trong quá khứ vẫn còn ám ảnh đến hiện tại. Có thể nói quá khứ định hình nên hiện tại, và nếu không khắc phục được điều này, thì tương lai vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Đây cũng là điều được bác sĩ Gabor Maté nhận ra và trở thành khái niệm “chấn thương thời thơ ấu” vốn là nền tảng cho nhiều lập luận của ông. Cụ thể, trong cuốn Cõi sống của những con ma đói trước đó cũng như trong Huyễn tưởng về bình thường, ông chỉ ra chính những tổn thương khi còn rất nhỏ dễ khiến những bệnh nhân nghiện sa vào các loại “kích thích” để trốn tránh hiện tại, dù là bằng các chất gây ảo giác hay nghiện công việc, mua sắm…

Bìa cuốn sách Huyễn tưởng về bình thường. Sách do Trần Trọng Hải Minh dịch. Ảnh: Nhã Nam
Những mô hình nên học hỏi
Và dù có đa dạng nguyên nhân nhưng những bệnh mạn tính về tâm lý hiện nay thường có gốc rễ là môi trường sống không lành mạnh. Với Huyễn tưởng về bình thường, bác sĩ Maté nhận ra chính nhịp sống hối hả, áp lực phải thành công, sự tách biệt giữa người với người… là biểu hiện của “sự bất thường” sâu sắc. Điều này cộng thêm việc “bình thường hóa” những trạng thái sống thiếu kết nối, thiếu đồng cảm và đầy căng thẳng đã dẫn đến hàng loạt bệnh lý mạn tính, rối loạn tâm thần hay khủng hoảng cá nhân.
Và không chỉ về mặt không gian, sự lan truyền của truyền thông, mạng xã hội với những nội dung thiếu tích cực khi “bình thường hóa những điều bất thường” cũng khiến tình hình ngày càng tệ hơn. Bác sĩ Hiến và Th.S Khương cũng chỉ ra đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ mà bất cứ xã hội hiện đại nào cũng đang mắc phải.
Trong đó biểu hiện rõ ràng nhất là rất ít người chịu thừa nhận mình đang không ổn mà luôn cố gồng cứng rằng bản thân bình thường. Bác sĩ Hiến nhấn mạnh: “Bình thường không đồng nghĩa với lành mạnh mà là mỗi người tự nhận thức sâu sắc về bản thân mình”.
Với vốn sống và quan sát ở nhiều đất nước, hai nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những bài học mà nước ta có thể học hỏi để giảm thiểu những hệ lụy đến từ khía cạnh tâm lý. Từng tu nghiệp tại Bệnh viện Tâm thần Saint-Anne (Paris, Pháp), ThS. Khương nói điều anh ấn tượng về lĩnh vực này ở Pháp là mô hình làm việc đa ngành và cộng tác rất sát sao.
Cụ thể, thay vì một khoa chỉ có bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng như nước ta thì khoa tâm thần ở Pháp tích hợp rất nhiều vai trò, từ bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu vận động đến nhân viên công tác xã hội… ở nhiều mảng, từ thể lý, tâm lý, tâm thần, vận động cho đến xã hội, qua đó mỗi bên có thể trao đổi, bổ sung góc nhìn của mình vào mục tiêu chung là cải thiện bệnh trạng của bệnh nhân.
Điều này không những giúp bệnh lý được quan sát toàn diện mà còn góp phần giảm tải cho nhân viên y tế, bởi tuy ít được nhận biết nhưng chính sự cô đơn của ngành này dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức, burn-out, thiếu thấu cảm… dẫn đến chẩn đoán và điều trị có thể bị ảnh hưởng.

ThS. Lê Đào Anh Khương chia sẻ tại cuộc giao lưu.
Có thời gian theo học tại Đài Loan, Bác sĩ Hiến chia sẻ quốc gia Đông Á này có những biện pháp phòng ngừa cộng đồng rất sớm. Chẳng hạn tầm quan trọng của tâm lý được nhận thức ngay từ khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường và khi thế hệ trung niên về hưu, họ cũng được theo dõi sát sao về sức khỏe tâm lý. Qua đó những người thấy lạc lõng, cô đơn, bản thân không còn đóng góp, cống hiến được nữa… sẽ được kết nối, từ đó có suy nghĩ tích cực hơn.
Hai vị diễn giả cho biết đây là mô hình Việt Nam rất nên học hỏi, dù để áp dụng hay thực hiện các chương trình về sức khỏe (đặc biệt là tâm lý) trong thực tế phải trải qua rất nhiều khâu và mất rất nhiều thời gian để chứng minh được hiệu quả và ý nghĩa của nó. Tuy vậy cả hai chuyên gia vẫn rất tích cực với các nỗ lực của mình.
ThS. Khương chia sẻ: “Theo tôi, việc đơn giản như chia sẻ những thông tin đúng, chính xác và đầy đủ đến những người đang cần cũng là một đóng góp lớn trong lĩnh vực này rồi”. Anh hy vọng các trường học cũng sẽ kết nối nhiều hơn nữa với mạng lưới quan tâm đến sức khỏe tâm thần cộng đồng, vì nếu thế hệ trẻ hiểu rõ, thì ta có thể từng bước cải thiện tình trạng này.
Từ đây, chúng ta cần định nghĩa lại cái gọi là “bình thường” để có thể chữa lành không chỉ cho từng cá nhân mà cả một xã hội đang mỏi mệt.
Bài và ảnh: Minh Anh
_____
(*) Tọa đàm giới thiệu cuốn sách Huyễn tưởng về bình thường: Sang chấn tâm lý, bệnh tật và chữa lành trong một nền văn hóa độc hại diễn ra sáng 6.7 tại TP.HCM. Trong đó, Bác sĩ Nguyễn Võ Văn Hiến là bác sĩ chuyên khoa Tâm thần với hơn 7 năm kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị. Ông còn là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các rối loạn tâm thần và trị liệu tâm lý. Bác sĩ Hiến từng tu nghiệp tại Bệnh viện Tâm thần Saint-Anne, thuộc GHU Paris, Pháp.
Thạc sĩ Lê Đào Anh Khương là Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Y học cộng đồng (Xã hội và Hành vi) tại Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung. Anh là chuyên viên tham vấn với hơn 10 năm kinh nghiệm trong tư vấn và giáo dục thanh thiếu niên, người trưởng thành, các cặp đôi và gia đình. Ngoài ra, anh cũng là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần cộng đồng.