Tái định nghĩa về màu hồng và định kiến tóc vàng hoe
Diện nguyên cây quần áo từ đầu đến chân giống búp bê Barbie đang là cách phụ nữ khẳng định màu hồng không đồng nghĩa với yếu đuối, ngược lại thể hiện quyền lực của phái đẹp.
Sau phần lớn thời gian ở trong nhà vì dịch bệnh, Imani Fahrah muốn bữa tiệc sinh nhật năm nay phải thật ồn ào, vui nhộn. Cô gái 29 tuổi đến từ New York cuối cùng đã tìm thấy trang phục để diện: váy voan ngắn, bồng bềnh có màu hồng nổi bật, đi cùng giày cao gót màu bạc lấp lánh và vương miện công chúa.
Phong cách mà Imani chọn đang là cơn sốt thời trang thịnh hành nhất của mùa hè này với tên gọi Barbiecore (ăn mặc giống búp bê Barbie), theo Insider.
Màu hồng Barbie đang chiếm lĩnh Hollywood với những cái tên nổi tiếng lăng xê như Hailey Bieber, Megan Fox, Kim Kardashian. Dẫn đầu xu hướng này là Margot Robbie - người đảm nhận vai chính phim Barbie của Greta Gerwig.
Xa hơn, thế hệ Z và Millennials, đặc biệt là với những phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20-30, cho hay đây không chỉ là phong trào thời trang mà còn thể hiện tuyên ngôn của họ về nữ quyền, đa dạng giới, quan điểm chính trị.
Xóa bỏ định kiến "tóc vàng hoe"
“Tôi nghĩ xã hội đã thay đổi cách nghĩ rập khuôn về búp bê Barbie chỉ gắn với hình ảnh cô nàng không thông minh, có mái tóc vàng hoe, mặc đồ hồng chói và thân hình hoàn hảo”, Chazlyn Yvonne Stunson, một blogger làm đẹp và phong cách sống 21 tuổi ở Los Angeles, bày tỏ.
Stunson dẫn chứng rằng ngày càng có nhiều mẫu Barbie đa dạng về kiểu dáng đến ý nghĩa, như Barbie da màu, Barbie chuyển giới.
“Barbie hiện tại không chỉ là những cô nàng chỉ biết làm đẹp mà làm đủ mọi nghề nghiệp, từ bác sĩ, nhà khoa học, môi giới bất động sản, thể hiện những khía cạnh khác nhau của phụ nữ”, cô nói.
Theo nhà dự báo xu hướng Kendall Becker, màu hồng rực rỡ là cách Gen Z và Millennials đang nói "không" với phiên bản nữ tính xã hội vẫn thường gán cho phụ nữ.
Thay vào đó, họ chọn một phiên bản táo bạo hơn, phá vỡ quan điểm màu hồng đồng nghĩa với sự "bánh bèo", ngu ngốc hay yếu đuối.
Tara, một blogger về phong cách sống 26 tuổi đến từ Dublin, người yêu cầu giữ kín họ của mình, đã ăn mặc theo phong cách Barbiecore kể từ trước khi nó trở thành trào lưu.
Trong 5 năm qua, Tara thường xuyên mặc váy màu hồng và áo sơ mi hồng neon. Cô gọi trang phục của mình là một tuyên bố về nữ quyền, khi cô ăn mặc theo cách mình muốn.
Theo Grain Carter, nhà tư vấn kinh doanh thời trang và là giáo sư tại Học viện Công nghệ Thời trang ở New York, Barbie vừa đại diện cho truyền thông, nhưng cũng thúc đẩy và phá vỡ các ranh giới mới.
"Màu hồng là màu đại diện cho làn sóng nữ quyền mới trên thế giới và những gì phái nữ đang trải qua", Grain Carter nói, trích dẫn cách màu sắc này trở thành màu không chính thức, xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình của phong trào #MeToo.
Một số nhà hoạt động cũng sử dụng màu hồng để thể hiện sự chênh lệch về giới tính, lương giữa hai giới.
“Phụ nữ đang lấy lại màu sắc này như một cách để trao quyền trong công việc, trong chính trị, tài chính và truyền thông, cho dù họ còn trẻ hay đã trung niên, dị tính hay chuyển giới", Carter nhấn mạnh.
Tái định nghĩa về màu hồng
Theo Insider, các nghệ sĩ da màu, nhà thiết kế và các biểu tượng văn hóa đại chúng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Barbiecore.
Những phụ nữ da màu như ngôi sao nhạc pop Lizzo và nữ diễn viên Ariana DeBose đã gây chú ý gần đây với trang phục màu hồng nóng bỏng của họ.
Thực tế, nhiều khán giả cho rằng nguồn gốc của Barbiecore đã bắt đầu từ cách đây hơn một thập kỷ, khi nữ rapper da màu nổi tiếng Nicki Minaj tung album "Pink Friday" vào năm 2010. Xuyên suốt album, Minaj nhiều lần diện trang phục màu hồng tươi tắn, nhuộm tóc vàng và hát những lời ca ngợi sự chủ động, tự tin của phái đẹp.
Tonya Parker (49 tuổi), ở Newport News, bang Virginia, cho biết bản thân rất thích Barbiecore thách thức quan điểm rằng phụ nữ tóc vàng, gầy là hình ảnh thu nhỏ của sắc đẹp.
“Tôi nghĩ Barbiecore chắc chắn là một tuyên bố về sự đa dạng. Chúng tôi đang lấy một tiêu chuẩn cũ về vẻ đẹp và lật tẩy, tái định nghĩa lại nó", bà Parker cho hay.
Barbiecore đã bùng nổ sau buổi trình diễn thời trang thu-đông của Valentino vào tháng 3 và được dự báo càng phủ sóng mạnh hơn khi đông Gen Z tham gia vào lực lượng lao động, nhóm đối tượng đề cao sự đa dạng và yêu cầu được tôn trọng.
Đến tháng 7/2023, khi bộ phim live-action về Barbie dự kiến ra mắt, xu hướng này được cho là sẽ càng có tiếng nói, khi tác phẩm này được đạo diễn bởi một nhà làm phim muốn đề cao quyền phụ nữ và nội dung phim đa dạng, bao gồm cả búp bê chuyển giới.