Tái định vị doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững
Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khỏe thực tế của doanh nghiệp.
Thông tin trên được Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đưa ra tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 23/3 tại Hà Nội. Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện VCCI, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp...
Theo thông tin từ VCCI, các tháng cuối năm 2022 và sang đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại khi đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng chỉ ra, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30% và thu hút gần 60% lao động song khu vực kinh tế này lại dễ bị tổn thương khi gặp các bất lợi từ bên ngoài, như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh... Thống kê chỉ trong gần 3 tháng đầu năm 2023, đã có gần 40 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, dù bối cảnh có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng cho thấy những cơ hội nếu các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Thêm một yếu tố chúng ta cần quan tâm đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã có giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện để phát triển, sau đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cần sự quan tâm chung của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý không chỉ với doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công, để những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, những doanh nghiệp này phải phát huy vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ khác, thực hiện các phần việc các thành phần kinh tế khác không làm. Bởi những doanh nghiệp Nhà nước này dù số lượng chiếm tỷ lệ nhỏ trong số cộng đồng doanh nghiệp, nhưng lại đang sở hữu nguồn lực kinh tế rất lớn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương thiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện được, thậm chí điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận còn khó hơn vay ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.
Thực tế trong điều kiện hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau, nhất các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Để từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
Do đó, ông Long cũng đề xuất, VCCI phải đóng vai trò là cầu nối doanh nghiệp với Chính phủ, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của doanh nghiệp với Chính phủ. Để “cứu” doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả, chính xác không ai bằng chính các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tạo cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp mong muốn VCCI tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhiều hơn nữa.