Tái hiện bối cảnh Sài Gòn xưa trong phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

'Em và Trịnh' là bộ phim mới nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đóng máy, dự kiến sẽ ra rạp cuối năm nay.

Bối cảnh quán cà phê Tùng. Ảnh: Đoàn làm phim.

Bối cảnh quán cà phê Tùng. Ảnh: Đoàn làm phim.

“Em và Trịnh” là bộ phim mới nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đóng máy, dự kiến sẽ ra rạp cuối năm nay.

“Em và Trịnh” quy tụ nhiều tên tuổi trong làng điện ảnh, như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong vai trò tư vấn sản xuất, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc, nhạc sĩ Đức Trí, giám đốc sáng tạo Hà Đỗ… Kịch bản phim do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Thái Hà và Bình Bồng Bột xây dựng.

 Cầu Trường Tiền. Ảnh: Đoàn làm phim.

Cầu Trường Tiền. Ảnh: Đoàn làm phim.

Phim chính thức khởi động từ tháng 3-2019, và là một trong những tác phẩm điện ảnh “truân chuyên” nhất trong suốt quá trình thực hiện, do dịch Covid-19 và đợt thiên tai bão lũ khủng khiếp ở miền trung, đặc biệt là ở Huế - nơi diễn ra hầu hết các cảnh quay của bộ phim.

Phim xoay quanh cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ lúc thanh niên đến trung niên, với khoảng 50 ca khúc của nhạc sĩ được đưa vào phim. Gia đình nhạc sĩ đóng vai trò cố vấn cho nội dung bộ phim.

 Avin Lu vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet.

Avin Lu vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet.

Tham gia diễn xuất trong “Em và Trịnh” đều là những gương mặt mới mẻ. Đảm nhiệm vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ là Avin Lu (Lương Anh Vũ). Vai Diễm do Phạm Nguyễn Lan Thy thể hiện, với nét đẹp đậm nét Á Đông, nhấn mạnh nhân vật đã là cảm hứng tạo nên ca khúc “Diễm xưa” đình đám của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vai Dao Ánh, em gái của Bích Diễm do Hoàng Hà thể hiện, với vẻ đẹp trẻ trung, có phần tinh nghịch. Dao Ánh cũng là cảm hứng để nhạc sĩ viết nên nhiều ca khúc nổi tiếng như “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Ru em từng ngón xuân nồng”.

Vai ca sĩ Thanh Thúy, người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng ca khúc đầu tay “Ướt mi” do Phạm Nhật Linh thể hiện.

Chỉ duy nhất đạo diễn, diễn viên Trần Lực là gương mặt quen thuộc của bộ phim. Được biết, để vào được vai nhạc sĩ, diễn viên Trần Lực đã phải giảm 10kg, nuôi tóc dài, học nói tiếng Pháp, học nói giọng Huế, học cả cách đi đứng sao cho giống nhạc sĩ. Đã rất lâu rồi Trần Lực mới trở lại với diễn xuất kể từ sau “Long Thành cầm giả ca” năm 2010. Từ đó đến nay, anh chuyên tâm vào công việc yêu thích của mình là đạo diễn phim và kịch nói, với nhiều dự án mới mẻ như “Quẫn” hay “Nữ ca sĩ hói đầu”… Đây cũng là những vở diễn đầu tiên của sân khấu Luc Team do anh gây dựng.

Avin Lu cũng là một gương mặt còn rất mới. Anh tên thật là Lương Anh Vũ, sinh năm 1995, đã từng tham gia cuộc thi Giọng hát Việt và vừa tham gia bộ phim “Sài Gòn trong cơn mưa”. Avin Lu có vẻ đẹp kiểu tài tử Hàn Quốc. Cùng giống như nghệ sĩ Trần Lực, Avin Lu phải tập nói giọng Huế, tập viết và ký tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tập đàn, hát, viết nhạc…

 Lan Thy và Hoàng Hà vai Bích Diễm, Dao Ánh. Ảnh: Internet.

Lan Thy và Hoàng Hà vai Bích Diễm, Dao Ánh. Ảnh: Internet.

Với Phạm Nguyễn Lan Thy, đây là lần đầu tiên cô gái sinh năm 1998 này chạm ngõ điện ảnh. Lan Thy là một người mẫu ảnh, đôi khi đóng quảng cáo cho một số nhãn hàng nổi tiếng. Lan Thy có vẻ đẹp Á đông cổ điển, tóc đen dài, mũi cao, mắt to tròn.

Hoàng Hà, người đảm nhiệm vai Dao Ánh, là một cô gái Hà Nội. Sinh năm 1996, Hoàng Hà từng tham gia một số dự án phim ngắn, lồng tiếng phim và đặc biệt là góp mặt trong một số MV ca nhạc. Đây cũng là vai diễn điện ảnh điện ảnh đầu tay của Hoàng Hà.

Trong số ba diễn viên nữ, Phạm Nhật Linh là gương mặt trẻ nhất. Cô sinh năm 2001, hiện đang học Đại học Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Vai diễn danh ca Thanh Thúy của cô là vai khá nặng ký. Phạm Nhật Linh vừa hát được, vừa nói được giọng Huế, lại ở độ tuổi mà lần đầu tiên ca sĩ Thanh Thúy gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Thanh Thúy là người đầu tiên đem ca khúc “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn đến với công chúng.

 Bối cảnh được phục dựng công phu. Ảnh: Đoàn làm phim.

Bối cảnh được phục dựng công phu. Ảnh: Đoàn làm phim.

Được biết, bộ phim được đầu tư tới 40 tỷ đồng, và xây dựng bối cảnh rất công phu. Những địa điểm đặc biệt liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều được phục dựng lại công phu ở thời điểm những năm 1960, như cà phê Tùng, gác Trịnh, cầu Phủ Cam, cầu Trường Tiền… trong hoàn cảnh các tỉnh miền trung phải liên tục chịu những đợt thiên tai bão lũ trong năm 2020.

Phim đã chính thức đóng máy sau năm tháng thực hiện, và dự kiến sẽ ra rạp vào Giáng sinh năm nay.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/tai-hien-boi-canh-sai-gon-xua-trong-phim-ve-nhac-si-trinh-cong-son-640513/