Tái hiện chất gỗ quý Việt Nam trong bộ sưu tập mới của Gỗ Minh Long

Đầu năm 2024, Gỗ Minh Long ra mắt bộ sưu tập gỗ V Số Son lấy cảm hứng từ hai loại vân gỗ quý của Việt Nam là gỗ hoàng đàn và gỗ cẩm lai.

BST mang lại những trải nghiệm mới dành cho các kiến trúc sư và thể hiện cách tiếp cận mới khi sử dụng vân gỗ quý trong không gian nội thất hiện đại.

Công nghệ lưu giữ chất gỗ quý

V Số là công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay tạo bề mặt gỗ thật như gỗ tự nhiên. Được đánh giá có thể thay thế gỗ tự nhiên hoặc những bề mặt veneer thông thường, gỗ V Số là bước tiến mới trong việc sử dụng vật liệu nội thất bền vững, hạn chế khai thác gỗ tự nhiên và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân tộc, cái tên V Số Son được hình thành và tiếp biến từ những “nét son” của thời đại. Đó là vẻ đẹp tươi son của người phụ nữ trong những câu ca dao; là màu đỏ son trong những cung các được “sơn son thếp vàng”. Son cũng là màu của những bức tượng gỗ, những bức tranh sơn mài truyền thống. Với chất liệu nội thất, V Số Son khắc họa hai loại vân gỗ quý ở Việt Nam là gỗ hoàng đàn và gỗ cẩm lai.

 Thiết kế V Số Son ML 2385 - Cẩm Lai Ninh Thuận trong không gian trà đạo

Thiết kế V Số Son ML 2385 - Cẩm Lai Ninh Thuận trong không gian trà đạo

Thói quen sử dụng gỗ trong nhà ở của người Việt Nam đã hình thành qua nhiều thập kỷ. Gỗ trở thành một thành tố không thể thiếu trong ngôi nhà Việt, từ cột kèo, vì nóc đến giường tủ bàn ghế và những vật dụng trong gia đình. Gỗ là chất liệu ấm áp, tạo cảm giác vững chắc và thể hiện được phong cách sống, gia thế của chủ nhân ngôi nhà. Gỗ hoàng đàn và gỗ cẩm lai là hai trong số nhiều cây gỗ quý được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong quá khứ. Vẫn với dáng vẻ và màu sắc của truyền thống thân thuộc, hai loại gỗ này được “chuyển hóa” trong một hình hài mới với tính chất cơ lý tốt, kích thước lớn vượt trội và giá thành phù hợp hơn so với chất liệu gỗ tự nhiên.

Đúng với cái tên của mình, gỗ hoàng đàn được tôn sùng là gỗ của thánh thần. Cây hoàng đàn thường phân bố chủ yếu ở những dải núi đá vôi cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn (Lạng Sơn), Thạch An (Cao Bằng) hay Na Hang (Tuyên Quang). Gỗ hoàng đàn trong V Số Son là sự gợi nhắc những giá trị nguyên bản từ thiên nhiên một cách chân thật và bền bỉ nhất.

 Tông màu nâu đỏ độc đáo trong thiết kế V Số Son ML 2305 - Hoàng đàn Văn Quan

Tông màu nâu đỏ độc đáo trong thiết kế V Số Son ML 2305 - Hoàng đàn Văn Quan

Các thiết kế gỗ cẩm lai trong BST V Số Son lại thể hiện chất gỗ đanh với những đường vân rắn rỏi và màu sắc ấn tượng. Gỗ cẩm lai phân bố tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Cẩm Lai trong V Số Son mang những tông màu đặc trưng cá tính, phù hợp với cả không gian truyền thống và hiện đại, mang lại cảm nhận trọn vẹn về chất gỗ “son” đanh chắc và giàu sức sống.

Vật liệu nội thất mang tinh thần Việt

Đặc biệt, với cảm hứng từ những câu chuyện truyền thống, ngược dòng thời gian để tìm lại bản sắc của những nếp nhà Việt, V Số Son sở hữu những thiết kế gỗ với tông màu nâu đỏ truyền thống, xuất hiện thường xuyên trong những không gian thờ tự và tâm linh.

 Màu đỏ đặc trưng của V Số Son trong không gian hiện đại

Màu đỏ đặc trưng của V Số Son trong không gian hiện đại

Nội thất gỗ chính là “đường dẫn” thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống và thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình Việt. V Số Son trong dòng chảy đương đại lấy cảm hứng từ những vân gỗ quý đã mang lại những cảm xúc mới, trải nghiệm mới trong không gian sống, vừa mang dấu ấn của quá khứ, vừa đáp ứng công năng của đời sống hiện tại, ở đó truyền thống và đương đại hòa hợp và tiếp tục được nối dài.

Tập trung chuyên sâu nghiên cứu về văn hóa bản địa, những sản phẩm của Gỗ Minh Long đang từng bước hoàn thiện cả về chất lượng vật liệu và thể hiện chiều sâu các giá trị văn hóa của từng địa phương. Những vật liệu nội thất mang tinh thần Việt, nếp sống Việt sẽ trở thành động lực cổ vũ cho sự sáng tạo của các kiến trúc sư, nhà thiết kế trong hành trình chinh phục và khẳng định phong cách thiết kế Việt trên bản đồ thế giới.

Lệ Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tai-hien-chat-go-quy-viet-nam-trong-bo-suu-tap-moi-cua-go-minh-long-2286444.html