Tái hiện chuyện xua qua hồi ức
Mấy năm qua, dòng văn học phi hư cấu (non-fiction) cho thấy sự soán ngôi khá ngoạn mục của nhiều 'tên tuổi ẩn dật'. Những Bình Ca với 'Quân khu Nam Đồng', Vũ Công Chiến với 'Hồi ức lính', Đoàn Tuấn với 'Mùa chinh chiến ấy'… đã làm nên những cơn sóng cho văn đàn. Nối dài vào danh sách ấy không thể không nhắc tới một cái tên khác có phần bí ẩn: Trung Sỹ.
Trung Sỹ là ai? Nhiều người đặt câu hỏi ấy khi thấy cuốn sách “Chuyện lính Tây Nam” xuất hiện. Thì ra, Trung Sỹ chỉ là bút danh của tác giả Xuân Tùng. Hỏi vì sao ông lựa chọn bút danh Trung Sỹ cho cuộc dấn thân vào “trường văn trận bút”, tác giả Xuân Tùng nói: “Trung sỹ là quân hàm của tôi trước khi được giải ngũ, mặc dù từ khi bước chân qua biên giới, tôi chưa bao giờ được đeo nó trên ve áo lính. Kể cả cho đến bây giờ cũng vậy”.
Hỏi tiếp về dòng văn học phi hư cấu có chiều hướng “lên ngôi” trong thời gian qua, tác giả Trung Sỹ nói: “Văn học phi hư cấu tôi nghĩ đang trở lại, như người ta đang trở lại tìm chính bản thân mình, vốn qua nhiều thập niên, bị hay được quy ước là phải quên cái tôi cá nhân, ca ngợi cái ảo cái chung, vốn thường rất chung chung…”
Xuân Tùng sinh năm 1960 ở Hà Nội trong một gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học, 18 tuổi, Xuân Tùng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. 5 năm tham gia trận mạc nếm trải đủ sắc độ của chiến tranh. Anh may mắn may mắn thoát chết, sau đó mãn hạn phục vụ, theo chế độ anh giải ngũ với cấp bậc Trung Sỹ.
Sau đó, ông đi học trung cấp xây dựng, làm việc tại Vinaconex. Tận tới khi nghỉ hưu một thời gian, ông mới “bén duyên” với văn chương. Xuân Tùng bảo, khi người ta càng lớn tuổi, con người hay có những khoảng hoài niệm lại tuổi trẻ của mình. Vì thế, mấy năm trước, trong những lúc rảnh, ông thường lên mạng tìm những thông tin về đơn vị chiến đấu mà mình từng phục vụ. Một lần, ông đăng ký tham gia vào một trang của những người yêu thích Quân sử, rồi viết một số bài về cuộc chiến tranh Tây Nam mà ông trực tiếp trải qua. Bài của ông được nhiều quan tâm. Lượng theo dõi tăng lên nhanh chóng. Nhiều người thúc ông viết tiếp. Và cứ như thế, những kỷ niệm cùng anh em đồng đội ùa về, đòi hỏi phải được bật ra như một nội lực thôi thúc khác. Dần dần, Xuân Tùng thấy nên tập hợp lại thành một cuốn sách, để mọi người rõ hơn về cuộc chiến chống Khmer Đỏ, bảo vệ đất nước và tiêu diệt bọn diệt chủng. Năm 2017, cuốn sách được NXB Thanh niên ấn hành với tên tác giả ghi ngoài bìa: Trung Sỹ.
Với cuốn sách đầu tay này, Xuân Tùng viết như một sự tri ân cuộc đời, tri ân đồng đội còn sống hay đã hy sinh. “Có những trang tôi vừa viết vừa giàn giụa nước mắt, bởi tất cả những gian khó hy sinh tưởng chừng đã chìm hẳn trong quên lãng, bỗng hiện ngay trước mặt như vừa xảy ra mới đây thôi”- tác giả “Chuyện lính Tây Nam” nói. Một trong những điều ông muốn và buộc mình phải làm, khi viết, đó là “phải thật, trần trụi như nó vốn có”. Bởi thông qua cuốn sách này, ông muốn mọi người hiểu chiến tranh thực là kinh khủng khốc liệt, thậm chí vô luân chứ chẳng phải là điều lãng mạn hay ho gì với loài người.
Một người viết tay ngang, lại lựa chọn thể loại là “hồi ức”, vậy ngoài trí nhớ ra, ông còn dựa vào nguồn tài liệu nào? Xuân Tùng – Trung Sỹ bảo, ông dựa vào cuốn sổ ghi chép nhỏ sót lại từ năm 1982. Bên cạnh đó, ông hỏi lại anh em bạn bè đồng đội trong những lần gặp gỡ… Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng Google Eath, dò tìm lại địa danh các trận đánh, lập một sơ đồ chặng đường hành quân, chiến dịch mà đơn vị mình đã đi qua.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, “Chuyện lính Tây Nam” vừa có tính sử liệu vừa có tính sử thi, làm đầy hai tiêu chí, hình thức thể hiện và nội hàm tư tưởng thực sự văn chương cần có ở tất cả các thể loại. “120 câu chuyện trong “Chuyện lính Tây Nam” được gói vào đó rất nhiều chi tiết của đời sống chiến tranh. Từ câu chuyện mang tính hồi ức, tác giả sử dụng chọn lọc khá nhiều chi tiết rất chung ở chiến tranh nhưng lại riêng của đặc thù Chiến trường K. Một mặt nó tạo ra sự hấp dẫn, bởi những điều tác giả kể toàn là các câu chuyện lạ hóa so với đời sống bình thường. Không phải người trực tiếp tham chiến không sao hư cấu, bịa tạc “dựng” được”- nhà văn Nguyễn Văn Thọ phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo tác giả của “Vàng lửa”, cuốn “Chuyện lính Tây Nam phơi bầy rất sinh động tâm lí binh sĩ tham chiến. Đó là điều đáng kể ờ các cuốn sách của chính binh sĩ trực tiếp tham chiến viết. Ở đây, những nghĩ suy, tình cảm, tinh thần của người lính tình nguyện, thông qua chính tác giả và, rõ ra qua những diễn biến, cảnh huống trận mạc, để người ta “Phải chiến thắng”. Chiến thắng cái yếu hèn trong mỗi con người, trước gian khổ, thiếu thốn và nhất là trước cái chết”.
Cũng khá bất ngờ, sau khi ra mắt, “Chuyện lính Tây Nam” đã được độc giả đón nhận, và đến nay đã được tái bản lần thứ 3. Trước câu hỏi có tính tò mò, khi thấy sách được tái bản, ông vui hay lo?, tác giả Trung Sỹ chân thành: “Dĩ nhiên khi được tái bản, người viết sẽ rất vui mừng, vì độ lan tỏa của cuốn sách, vì số lượng lớn người đọc tìm hiểu chia sẻ, vì công sức những người lính đã phục vụ, đã hy sinh cho đất nước không bị lãng quên…”. Còn trước các ý kiến nhận xét về cuốn sách, ông nói: “Tôi cảm khái trước các ý kiến đánh giá đây là cuốn sách của một người lính chiến thực thụ, viết về cuộc chiến đời mình, chứ không phải của các nhà văn salon. Tôi cảm khái trước đánh giá đây chính là cuộc chiến của nỗi đau và lòng kiêu hãnh. Tôi tự hào vì những đánh giá người lính chúng tôi, với những đau khổ, gian khó nhưng vẫn đầy chất nhân văn con người”.
Sau cuốn “Chuyện lính Tây Nam”, tháng 10 năm ngoái, tác giả Trung Sỹ lại ra tiếp “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”. Đây là cuốn hồi ức ghi lại những kỷ niệm của tác giả từ khi còn là một cậu bé Hà Nội cũ, chứng kiến đất nước chuyển mình qua từng giai đoạn, từng cột mốc. Bằng giọng văn chân chất, trào phúng của mình, tác giả gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, viết lại những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và những người lạ đến ở nhà mình. Thành phố từng vất vả, ngây thơ và ấu trĩ bởi những sai lầm nhưng vẫn lấp lánh tình người dù xung quanh còn nhiều nỗi lo toan, hoài nghi, trăn trở về thế sự. Trên từng trang viết, Hà Nội của Trung Sỹ hiện ra không lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ. Có một Hà Nội khác thật hơn bởi những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra trong những năm 60 khi ấy là các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Mái tóc phi-dê của mẹ và căn gác nơi bà nội làm việc có một mùi giấy mốc kỳ lạ…
Tác giả Bình Ca của “Quân khu Nam Đồng” nhận xét, “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp, mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo tàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 1960 và 1970... Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ”.
Lý giải vì sao vẫn lựa chọn thể loại hồi ức, tác giả Trung Sỹ cho biết: “Tôi thích viết thật những gì đời sống đã trải qua, dù nó có hay dở đến thế nào, bởi tôi đã đọc nhiều văn bản, thì thấy dường như chỉ có một chiều”. Theo ông, viết hồi ức khó nhất là đối diện với những cái tồi tệ, dối trá, thậm chí sợ hãi, hèn nhát của chính bản thân mình, của cuộc sống chung đã trải qua. Sự trung thực là điều mọi cuốn hồi ký cần đạt đến.
Bây giờ, trong một số cuộc giao lưu, gặp gỡ, người ta gọi Trung Sỹ là nhà văn, hỏi ông cảm thấy thế nào, tác giả của “Chuyện lính Tây Nam” và “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” chân thành: “Lúc đầu tôi thấy khó nghe, tôi nhăn mặt, bởi tôi tự xếp tôi là người viết lại, người kể những câu chuyện thật cuộc đời, chứ không phải dạng bao la hoang tưởng. Tôi không có ý định xin vào hội nhà văn, mặc dù nhiều anh đi trước động viên. Sau rồi đi chỗ nào người ta cũng gọi vậy, đi hội họp gặp gỡ thì người ta làm biển tên vậy. Thì kệ vậy. Mãi nó cũng quen, coi như họ gọi anh xe ôm, anh cửu vạn, thế thôi”!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tai-hien-chuyen-xua-qua-hoi-uc-tintuc466618