Tái hiện lịch sử vẻ vang của ngành Cơ yếu Việt Nam

Chương trình nghệ thuật 'Vinh quang thầm lặng 2024' đã diễn ra tối 6/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Có lẽ, đây là lần đầu tiên, thông qua một chương trình nghệ thuật, công chúng cả nước có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về ngành một ngành cơ mật đặc biệt - Cơ yếu Việt Nam.

Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo nội dung; Tạp chí An toàn Thông tin chủ trì, phối hợp Trung tâm PT-TH Quân đội, Oscar Media thực hiện. Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024) và 79 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 – 12/9/2024).

Đến dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản…

Chương trình "Vinh quang thầm lặng 2024".

Chương trình "Vinh quang thầm lặng 2024".

Tại chương trình, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban tổ chức chương trình đã cũng ôn lại những trang sử vẻ vang của ngành Cơ yếu Việt Nam. Theo đó, vào mùa thu lịch sử 79 năm trước, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong buổi đầu của chính quyền non trẻ, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại chương trình.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại chương trình.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mật mã là công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... các cô, các chú làm công tác mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khẳng định, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong chương trình.

Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong chương trình.

Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” không chỉ “giải mã” những thành tựu, cống hiến của ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt quá trình chiến đấu, trưởng thành và phát triển, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với công lao đóng góp của các thế hệ cha anh, của gần 1.000 liệt sĩ cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã để lại một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần truyền cảm hứng và tiếp lửa cho các thế hệ ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Cơ yếu.

Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024”bao gồm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử, Những chiến công thầm lặng, Hành trình vinh quang. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, thơ, múa… và những thước phim phóng sự sinh động, phần giao lưu giàu ý nghĩa với những nhân chứng lịch sử, chuyên gia trong ngành, chương trình đã tái hiện tầm vóc, ý nghĩa của hành trình 79 năm hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Cơ yếu từ mùa thu lịch sử năm 1945, qua những dấu mốc quan trọng của đất nước.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Những câu chuyện, ký ức không thể nào quên của những nhân chứng sống của thời kỳ lịch sử hào hùng trong chương trình đã góp phần làm nổi bật vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn, cho thấy bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối của những chiến sĩ cơ yếu với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu.

Nhiều tiết mục ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương đất nước được chuyển tải thành công trên sân khấu: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Màu hoa đỏ (Thuận Yến), Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn), Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang), Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên)…

Người xem có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm đặc biệt: Hoạt cảnh thơ múa “Vinh quang cơ yếu Việt Nam” do NSND Lê Chức thể hiện lời bình và ca khúc “Hành khúc cơ yếu Việt Nam” (nhạc: An Thuyên - thơ: đồng chí Đặng Văn Duy, nguyên Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ), “Vinh quang thầm lặng” (thơ: Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; nhạc: Bùi Hoàng Uyên Minh).

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ: Tùng Dương, Viết Danh, Ngọc Ký, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Ngọc Anh, Thu Thủy, Minh Quân…; cùng Vũ đoàn Lavender, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, Tập thể sinh viên Học viện kỹ thuật mật mã…

N.Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tai-hien-lich-su-ve-vang-cua-nganh-co-yeu-viet-nam-i742908/