Tái hôn đâu dễ
Tái hôn là quyền được pháp luật cho phép nhưng ở những người lớn tuổi, họ lại gặp không ít khó khăn do định kiến xã hội và phản ứng của con cháu
Ở tuổi 61, bà P.T.N.M tái hôn với ông S. (62 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) gần 1 năm nay.
Vượt qua "cửa ải"
Bà M. là dược sĩ, có 3 con, chồng mất lúc bà 42 tuổi. Gần 20 năm, bà ở vậy tần tảo nuôi các con học đại học. Đến khi các con có gia đình riêng, một mình thui thủi ra vào, bà bắt đầu cảm nhận sự cô đơn, trống trải. "Ba năm trước, tôi tình cờ quen biết ông S., mất vợ đã lâu và sống một mình. Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi quyết định đi cùng nhau hết phần đời còn lại nhưng cũng mất một thời gian dài, các con tôi mới chấp thuận" - bà M. kể.
Hồi đầu nghe mẹ thổ lộ, các con bà đã phản đối kịch liệt, họ nói bà đã già rồi còn "ham muốn" gì nữa, sống một mình tự do, thoải mái, không dưng lại mua dây buộc mình. "Ba mất, bao lâu nay mẹ sống vậy có sao đâu"; "Mẹ làm gì cũng phải nghĩ đến tụi con chứ! Mặt mũi đâu mà tụi con ra ngoài gặp mọi người"... Họ đưa ra đủ lý lẽ để bà dẹp bỏ ý định tái hôn.
"Đầu năm 2022, gia đình tôi gặp biến cố. Lúc đó, ông S. không ngại khó, có mặt ở thời điểm gia đình tôi cần để hỗ trợ. Sau đó, các con cũng nguôi ngoai rồi đồng ý. Về với ông ấy, tôi thấy mình vui hơn nhiều, sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau khiến tuổi già trôi qua nhẹ nhàng hơn, những bệnh vặt trước đây cũng không còn" - bà M. chia sẻ.
Vợ mất hơn 15 năm, ở tuổi 65, ông N.V.B cũng rất thấm thía nỗi cô đơn khi ra vào nhà chỉ có một mình.
Thấy cảnh ông B. vợ mất đã lâu, các con bận bịu làm ăn, khi đau ốm không ai chăm, bà M.T.T.Y (60 tuổi, cùng ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) thương cảm, thường qua lại trò chuyện, chăm sóc chu đáo khi ông ốm.
Dẫu vậy, khi nghe hai ông bà quyết định nương tựa nhau lúc tuổi già, các con của cả ông lẫn bà đều không đồng ý, lý do cũng chỉ vì sợ người ta chê cười. "Lúc đầu, các con phản ứng gay gắt khi có người phụ nữ khác thay thế vị trí của mẹ chúng. Thật may, cuối cùng các con tôi thấu hiểu và ủng hộ tôi có hạnh phúc một lần nữa" - ông B.cười vui kể lại.
Chồng bất ngờ qua đời vì tai nạn khi bà N.H.A.M (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa bước qua tuổi 35.
"Chồng mất quá bất ngờ, tôi bị sốc tâm lý. Nhiều năm sau, cũng có người mở lòng đến hỏi chuyện cưới xin nhưng tôi từ chối vì vẫn còn thương chồng và sợ chẳng may gặp người không tốt thì tội con" - bà M. kể.
Đến khi con gái lập gia đình, lên chức bà ngoại, bà M. lại tất bật lo cho cháu. "Nay cháu học cấp II, không cần tôi đưa đón nữa, gia đình con cũng đã ra riêng. Sống một mình, cả ngày làm bạn với chiếc điện thoại, tivi, thật sự rất buồn.
Gặp lại người bạn học cũ góa vợ đã lâu, cùng hoàn cảnh nên chúng tôi thấu hiểu nỗi cô đơn tuổi già nhưng ở tuổi này mà kết hôn, tôi không đủ dũng cảm vượt qua cái nhìn của thiên hạ. Đến bây giờ, chúng tôi cũng chỉ giữ mối quan hệ thân thiết, tâm sự những vui buồn, quan tâm, giúp đỡ nhau khi cần, thỉnh thoảng đi du lịch ngắn ngày cùng nhau…" - bà M. tâm sự.
Hãy đồng cảm, chia sẻ
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sigh, ở sườn dốc bên kia cuộc đời, người già thường sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi. Họ cần sự đồng cảm và yêu thương của người bạn đời. Thế nhưng với những người nửa đường gãy gánh, chuyện tái hôn không đơn giản do tìm được người phù hợp không dễ, thuyết phục con cái chấp nhận lại càng khó, vượt qua định kiến xã hội lại càng khó hơn nữa.
Thực tế chứng minh người già nếu có người bạn đời bên cạnh thì rất có lợi cho sức khỏe tinh thần, họ vui vẻ, yêu đời hơn. Vì vậy, xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn về chuyện người già tái hôn. "Con cái thường cho rằng người già tái hôn là ham hố, đổ đốn.
Họ lo lắng vì phải "choàng" thêm việc chăm sóc cho một người già nữa nếu chấp nhận cho cha hoặc mẹ đi bước nữa. Chưa kể, còn liên quan đến thừa kế hoặc vẫn còn nặng lòng với người đã mất. Nhưng thật ra, việc bù đắp cho cha mẹ già về vật chất là phần nhỏ, bởi điều người già cần chính là tình yêu thương, sự quan tâm" - bà Thanh Thủy nói.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An phân tích những người già độc thân có nỗi sợ thường trực là cô đơn, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress vì thiếu người chia sẻ, thương yêu. Tái hôn cũng có nghĩa họ được chia sẻ tâm tư, tình cảm mỗi khi trái nắng trở trời, giúp họ sống vui hơn, thanh thản hơn.
Cần hiểu rằng một số quan điểm xưa nay đã không còn phù hợp. Bởi ngày nay, con cái thường sống tách biệt hoặc xa cha mẹ, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Vì vậy, người già dần bị nỗi cô đơn xâm lấn.
"Tái hôn là một nhu cầu cần thiết, thậm chí giúp cho cả con cái họ được nhẹ lòng nên chuyện họ đi bước nữa cần được ủng hộ. Ở tuổi nào, con người cũng cần tình yêu thương" - ông Nguyễn Hải An nhắn nhủ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-dinh/tai-hon-dau-de-20230624211737711.htm