Tái khởi động dự án điện hạt nhân, khi nào có điện phát lên lưới?

Điện hạt nhân là phương án lâu dài cho sự phát triển bền vững vì an ninh năng lượng, không phải câu chuyện của vài ba năm. Với tiến độ gấp rút hiện nay thì dự báo phải mất đến 10 năm nữa Việt Nam mới có điện hạt nhân.

Hoàn thành thủ tục đầu tư điện hạt nhân trong 5 năm

Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).

Tại chỉ thị 01 ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.

Trước đó, tại họp báo đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ quan này đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Việt Nam gấp rút chuẩn bị tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Việt Nam gấp rút chuẩn bị tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ cơ sở để triển khai dự án này. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Hệ thống pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... cũng đủ cơ sở để thực hiện. Thời gian tới, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội để sửa Luật năng lượng nguyên tử với các nội dung liên quan tới phát triển nguồn năng lượng này. Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để sửa Quy hoạch điện VIII.

Trong quá trình chuẩn bị công tác đầu tư, việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung quan trọng. Đây sẽ là chủ thể triển khai toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện. Liên quan tới địa phương, Bộ này đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch, sự đồng thuận của người dân cho dự án.

Trả lời câu hỏi về công nghệ điện hạt nhân hiện nay và những công nghệ mới dự kiến áp dụng trong tương lai ra sao, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử cho rằng, trong gần 50 năm lại đây, công nghệ nền tảng của điện hạt nhân hầu như không thay đổi nhiều.

"Công nghệ điện hạt nhân là công nghệ phức tạp, được đưa ra dựa trên nhiều lĩnh vực nền tảng và cơ bản như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí, vật liệu, luyện kim, tự động điều khiển, hóa học… Do đó, công nghệ điện hạt nhân (bao gồm cả thiết kế) không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Trong vài thập niên tiếp theo, công nghệ chủ yếu được triển khai vẫn là lò làm mát bằng nước (lò áp lực là chính), thiết kế tiên tiến thế hệ III+", TS Trần Chí Thành cho biết.

Nói về nhiên liệu cho điện hạt nhân, TS Thành chia sẻ, các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, hay Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có thể chế tạo và cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Nhiều đối tác có thể cung cấp nhiên liệu và nó như các hàng hóa dân dụng đặc biệt khác.

Khi nào sẽ có điện hạt nhân ở Việt Nam?

Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng VN), cho rằng đến năm 2045 - 2050, nguồn điện nền hiện tại của Việt Nam như thủy điện, điện khí khó đáp ứng khi công suất điện năng lượng tái tạo tăng cao. Các nước châu Âu như Phần Lan phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, nhưng nguồn điện nền của họ vẫn phải là điện hạt nhân. Bốn lò phản ứng hạt nhân của quốc gia này đang cung cấp gần 1/3 sản lượng điện toàn quốc.

TS Nguyễn Huy Hoạch nhấn mạnh, điện hạt nhân là phương án lâu dài cho sự phát triển bền vững vì an ninh năng lượng, không phải câu chuyện của vài ba năm. Trước đây, việc quy hoạch và phát triển các dự án điện nguồn của Việt Nam khá tốt, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khó khăn sẽ đến trong vài năm tới. Thực tế từ năm qua, khó khăn nguy cơ thiếu điện cục bộ đã xảy ra. Thế nên, các dự án nguồn điện nói chung gặp nhiều thách thức.

"Quy hoạch điện 8 chậm được ban hành nên nhiều năm qua, hầu như không có dự án điện lớn nào được triển khai xây dựng. Các dự án điện gió, điện mặt trời triển khai nhiều, nhưng quy mô công suất không lớn và khi đưa vào sử dụng cũng chỉ có số giờ sử dụng công suất thiết bị khoảng từ 1.500 - 2.500 giờ (quy đổi) trong tổng số 8.760 giờ của năm. Thế nên, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện cho một số thời điểm trong năm nếu không có nguồn điện ổn định, công suất lớn", TS Nguyễn Huy Hoạch phân tích cụ thể cho thấy tính cấp bách của việc tái khởi động điện hạt nhân.

Mà muốn vậy, theo ông Hoạch, trước mắt phải sửa quy hoạch, đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện 8 sửa đổi, kế đó là sửa luật Năng lượng nguyên tử. Việc tận dụng vị trí đã được khảo sát từ gần 10 năm trước là Ninh Thuận để làm dự án điện hạt nhân theo ông Hoạch là hoàn toàn hợp lý bởi công tác tìm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân được coi là quan trọng nhất, bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh cung cấp điện năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

"Địa điểm khảo sát xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam được triển khai từ 30 năm trước. Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được các liên danh tư vấn đánh giá kỹ lưỡng, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước nhằm khẳng định thêm tính an toàn liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần. Nếu chúng ta không tận dụng thì sẽ lãng phí về tiền của, khoảng 4 - 5 năm thời gian cho tìm kiếm, rồi lập hồ sơ phê duyệt được địa điểm mới..., từ đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội và an ninh năng lượng. Chúng ta đã có nền tảng, phải tận dụng tối đa những gì đã khảo sát, lập hồ sơ phê duyệt trước đây đối với điện hạt nhân", TS Nguyễn Huy Hoạch kiến nghị.

Theo chuyên gia, với sự quyết tâm, bắt tay thực hiện ngay, chúng ta vẫn cần thời gian để chuẩn bị về chuyên gia, nhân lực, công nghệ... Với tiến độ này, có thể 10 năm nữa, khoảng năm 2035, Việt Nam sẽ có nguồn điện hạt nhân đưa vào sử dụng. Việc triển khai các dự án điện hạt nhân thành công sẽ thực sự đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp, phát triển bền vững.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-khi-nao-co-dien-phat-len-luoi-16925010810231509.htm