Tái khởi động du lịch, dự kiến đón khách quốc tế vào tháng 6/2022

Ngành du lịch đang tích cực chuẩn bị tái khởi động với phương châm 'An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn'.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước hết sẽ khôi phục hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, từ tháng 10/2021, tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn.

Cùng với đó, chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro; đi kèm xác định điểm đến an toàn, kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.

Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch, từ đó đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.

Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, như tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.

'Át chủ bài' để mở cửa du lịch, hàng không nội địa

Về đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết sẽ thí điểm tại Phú Quốc từ tháng 11/2021 – 3/2022.

Trong đó, đối tượng sẽ là khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và năng lực tiêm phủ vaccine tốt như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông.

Theo đó, khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; đáp ứng yêu cầu liên quan về việc tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2.

Khách nhập cảnh cần có đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, minh bạch.

Để chuẩn bị các điều kiện đón khách, các địa phương sẽ cần thực hiện các bước như tiêm chủng cho người dân; lựa chọn tuyến, điểm và đơn vị cung cấp dịch vụ và quy trình phục vụ khách; tập huấn các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; có phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng 12/2021 – 6/2022 sẽ nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sau đó, sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022, Tổng cục Du lịch thông tin cho biết.

Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế sau lộ trình thí điểm, xem xét quy trình an toàn. Ảnh: VGP..

Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế sau lộ trình thí điểm, xem xét quy trình an toàn. Ảnh: VGP..

Tại hội nghị trực tuyến với chủ đề “Mở cửa lại du lịch quốc tế” mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, cho hay cơ quan này sẽ phối với với ngành ngoại giao triển khai rộng rãi chương trình truyền thông “Roam Phu Quoc”, mở đầu cho chiến dịch xúc tiến, quảng bá phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021 – 2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”.

Mục tiêu của chương trình là quảng bá chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, chính sách du lịch hộ chiếu vaccine; các quy định, biện pháp bảo đảm du lịch an toàn; nhân rộng mô hình ra các điểm đến, địa phương an toàn trong cả nước.

Theo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, việc tái khởi động du lịch đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và quy trình đón khách an toàn tại điểm đến.

Các địa phương cần biến những thách thức thành cơ hội trong việc cơ cấu lại thị trường, ứng dụng công nghệ, đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm cũ, quảng bá các chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Năm ngoái, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%; tổng thu du lịch giảm khoảng gần 60%.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.

Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động du lịch đã được ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021.

Cùng với đó, giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất với thời gian hỗ trợ 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 – 12/2021.

Doanh nghiệp cũng được giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết năm 2021; miễn, giảm lãi vay; miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 6/2022.

Hoài Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tai-khoi-dong-du-lich-du-kien-don-khach-quoc-te-vao-thang-62022-1633620928212.htm