Tài liệu lịch sử sống động về chiến tranh

Gần một thiên niên kỷ sau khi ra đời, tấm thảm Bayeux vẫn khiến người xem không khỏi rùng mình. Dài 70 mét, tác phẩm được ví như 'bộ phim chiến tranh đầu tiên của châu Âu', không chỉ kể lại một cuộc chinh phạt đẫm máu, mà còn hé lộ sự phản bội, trả thù và nỗi tuyệt vọng của cả một thời đại.

Một chi tiết từ Tấm thảm Bayeux cho thấy cái chết của Vua Harold (thứ 2 từ trái sang) tại Trận Hastings năm 1066. Ảnh: IanDagnall Computing/Alamy

Một chi tiết từ Tấm thảm Bayeux cho thấy cái chết của Vua Harold (thứ 2 từ trái sang) tại Trận Hastings năm 1066. Ảnh: IanDagnall Computing/Alamy

Tài liệu sống động nhất lịch sử về chiến tranh

Tấm thảm Bayeux ra đời không lâu sau trận Hastings năm 1066, cuộc chiến định đoạt ngai vàng nước Anh giữa vua Harold II và Công tước William xứ Normandy. Theo nhiều giả thuyết, tác phẩm do người Norman thực hiện để ca ngợi chiến thắng của William, đồng thời củng cố tính chính danh cho triều đại mới.

Bằng những đường kim tỉ mỉ trên nền vải lanh, hơn 50 cảnh lớn nhỏ hiện lên như một cuốn phim thời trung cổ: chiến thuyền vượt biển, kỵ binh xông trận, lều trại, hoàng tộc và cả xác lính nằm la liệt.

Sắp tới, lần đầu tiên trong lịch sử, tấm thảm Bayeux sẽ rời khỏi Pháp để đến trưng bày tại Bảo tàng Anh (British Museum) vào tháng 9.2026. Đây là một phần của thỏa thuận trao đổi văn hóa chưa từng có giữa hai quốc gia.

Theo đó, nước Anh sẽ cho mượn những báu vật như kho báu Sutton Hoo hay bộ cờ vua Lewis để đổi lấy “biểu tượng sử thi” của nước Pháp. Giới sử học và nghệ thuật đều nhận định đây sẽ là một trong những triển lãm thu hút nhất từ trước tới nay, không chỉ vì giá trị thẩm mỹ mà còn bởi chiều sâu lịch sử và tính nhân văn mà tấm thảm thể hiện.

Hạm đội chiến tranh của Công tước William đang tiến về Anh. Ảnh: Bảo tàng Bayeux

Hạm đội chiến tranh của Công tước William đang tiến về Anh. Ảnh: Bảo tàng Bayeux

Sự sụp đổ của cả một thời đại

Người ta tin rằng tấm thảm được thực hiện bởi các nữ quý tộc Anglo-Saxon ở Canterbury, dưới sự ủy quyền của Giám mục Odo, em cùng cha khác mẹ của Công tước William the Conqueror.

Họ thêu không chỉ cảnh chiến đấu, mà cả hình ảnh phụ nữ và trẻ em chạy trốn khỏi làng mạc bị thiêu rụi, một cái nhìn mang tính trải nghiệm cá nhân, dù tổng thể vẫn kể câu chuyện từ góc nhìn của người Norman.

Cốt lõi của tấm thảm không chỉ là trận chiến, mà là một câu chuyện sâu sắc về tình bạn, lòng trung thành và sự phản bội. Đó chính là điều được khắc họa ở Harold Godwinson, quý tộc người Saxon, nhân vật trung tâm trong chuỗi sự kiện định mệnh.

Ở cảnh đầu tiên, ông kết giao với Vua Edward của Anh, nuôi hy vọng sẽ được chọn làm người kế vị. Sau đó, hình ảnh Harold cưỡi ngựa với ria mép bay phấp phới, trở về dinh thự, cầu nguyện rồi tiệc tùng hiện lên như một thước phim sống động. Chuyến đi định mệnh đến Pháp bắt đầu ngay sau đó.

Tuy nhiên, con tàu của ông bị gió thổi lạc hướng. Harold bị bắt làm con tin và chính William xứ Normandy đã giải cứu ông. Từ đó, hai người trở thành đồng minh, cùng tấn công các lâu đài. Trong một cảnh đầy kịch tính, Harold dang tay chạm vào thánh tích, thề trung thành với William.

Nhưng khi trở về, Harold lại lên ngôi Vua nước Anh, hành động bị William xem là sự phản bội thiêng liêng. William lập tức chuẩn bị chiến dịch xâm lược: tàu bè, vũ khí và rượu vang.

Quân Norman sở hữu kỹ thuật cưỡi ngựa vượt trội, vừa phi nước đại vừa tấn công bằng lao, khác hẳn kiểu "bức tường khiên" cố thủ của người Saxon.

Trong trận Hastings, Giám mục Odo không chỉ ban phước mà còn cầm gậy chiến đấu. Khi Harold bị trúng mũi tên xuyên mũ giáp, hình ảnh nổi tiếng nhất tấm thảm, dòng chữ “Harold Rex interfectus est” (Vua Harold bị giết) khép lại chương sử Saxon. Cả thời đại Anglo-Saxon sụp đổ, mở ra một nước Anh mới.

Trong từng mũi kim, từng nét chỉ, các nữ nghệ nhân xưa dường như đã gửi gắm lời thì thầm vượt thời gian: một lời thề có thể định đoạt lịch sử, một tình huynh đệ tan vỡ có thể chôn vùi cả một nền văn minh.

N. THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/tai-lieu-lich-su-song-dong-ve-chien-tranh-151929.html