Tài liệu mật rò rỉ cho thấy Mỹ đang bị Nga 'lấn lướt' ở Trung Đông
Sau sự cố rò rỉ tài liệu, Mỹ đang phải nỗ lực xoa dịu các đồng minh Trung Đông về những lo ngại rằng Washington đang rời bỏ họ.
Theo Politico, giới chức Mỹ đã phủ nhận việc nước này đang từ bỏ Trung Đông, đồng thời chỉ ra sự hiện diện quân sự lớn của Washington cùng các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ ở khu vực. Song tài liệu mật mới bị rò rỉ cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực này đang ngày càng tách rời Mỹ để thân thiết với Nga.
“Tất cả các quốc gia ở Trung Đông đang tự hỏi ý nghĩa và chi phí để củng cố liên kết với Mỹ là gì và liệu có cách nào để tăng cường cho mối quan hệ với Mỹ hay không”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jon Alterman, hiện là chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.
Các đối tác Trung Đông của Mỹ từ lâu đã lo lắng về vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc thậm chí gần đây còn là trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, nơi Moscow hiện diện quân sự ở những nơi như Syria, cũng rất đáng kể.
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa Washington và Moscow. Nga được cho đã giành được một số hỗ trợ, hoặc ít nhất là sự trung lập, từ các quốc gia Trung Đông, nơi vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho thế giới.
Theo một nhà ngoại giao Trung Đông, sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ tại khu vực từ thời Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump và bây giờ là Joe Biden đã làm tăng thêm cảm giác không chắc chắn.
“Nước Mỹ có nền chính trị không thể đoán trước và các chính sách của họ rất ngắn hạn. Chu kỳ bầu cử của họ chỉ kéo dài 2 năm trong khi ở các nước vùng Vịnh về cơ bản là cả đời”, nhà ngoại giao Trung Đông cho Politicobiết.
Các tài liệu bị rò rỉ chỉ ra rằng ngay cả các quốc gia Trung Đông nhận được hàng tỉ USD viện trợ an ninh của Mỹ cũng không sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Washington.
Tài liệu do Washington Post đăng tải cho biết Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi của Ai Cập - quốc gia hiện nhận được hơn 1 tỉ USD viện trợ quân sự của Mỹ hằng năm, đã lệnh cho cấp dưới bí mật sản xuất tới 40.000 quả tên lửa cũng như các loại vũ khí khác để vận chuyển đến Nga để dùng trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Đại sứ quán Ai Cập tại Washington đã không bình luận trực tiếp về thông tin trên nhưng khẳng định Ai Cập “không can dự vào cuộc chiến tại Ukraine và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết “ngoài Iran, không có quốc gia Trung Đông nào đang cung cấp vũ khí cho Nga”.
Hãng thông tấn AP đã dẫn một tài liệu mô tả các sĩ quan tình báo Nga đã tự tin rằng họ thuyết phục Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) “hợp tác chống lại các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh”. Phía UAE sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên.
Một tài liệu rò rì khác cũng tiết lộ UAE đã đàm phán với một công ty Nga để xây dựng một trung tâm bảo trì khu vực cho các hệ thống vũ khí của UAE.
Chính quyền Biden gần đây đã gọi UAE là điểm nóng trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga. Quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ, bà Elizabeth Rosenberg hồi tháng trước đã cáo buộc các công ty của UAE đã xuất khẩu hơn 5 triệu USD hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ sang Nga, bao gồm cả các thiết bị bán dẫn.
Ngoài ra, một số tài liệu bị rò rỉ đề cập đến việc thuyết phục Israel - quốc gia nhận được gần 4 tỉ USD viện trợ an ninh của Mỹ mỗi năm, cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo đó, Israel có thể bị lung lay để làm nhiều hơn cho Ukraine nếu Nga gửi một số hệ thống vũ khí quan trọng nhất định tới Iran. Tuy nhiên, tài liệu lưu ý rằng Israel chỉ đang cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.
“Jerusalem có khả năng sẽ cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine dưới áp lực ngày càng tăng của Mỹ hoặc sự xuống cấp rõ rệt trong mối quan hệ với Nga nếu sự hiện diện của Moscow ở Iran hoặc Syria làm suy yếu lợi ích của Israel”, tài liệu nêu rõ.
Mối quan hệ Mỹ - Israel đã phải đối mặt với sự căng thẳng bất thường trong những tháng gần đây khi một chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cố gắng thông qua cải cách tư pháp khiến nhiều người Israel lo ngại sẽ làm suy yếu nền dân chủ của họ.
Mỹ hiện muốn các đối tác ở Trung Đông tăng thêm dầu mỏ ra thị trường để hạ giá năng lượng toàn cầu cũng như ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga.
Cho đến nay, các quốc gia Trung Đông không đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào. Những quốc gia dầu mỏ như Ả Rập Saudi và UAE vẫn tuân theo giới hạn về sản lượng dầu thô theo thỏa thuận đã được nhóm OPEC+ thông qua khiến Washington khó chịu.
UAE đang chào đón các nhà tài phiệt Nga, cho phép họ chuyển tài sản từ châu Âu sang Dubai. Các nước khác trong khu vực, như Iraq, Jordan và Israel đã từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phần lớn họ tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin hoặc cắt giảm quan hệ với Moscow.
Giới phân tích cho rằng Trung Đông vẫn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ song vai trò của khu vực không còn quá quan trọng như trước. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến Mỹ nhận ra sự cần thiết của việc củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
Quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã nêu ra những đột phá ngoại giao khác do Mỹ hỗ trợ gần đây ở Trung Đông, chẳng hạn như thỏa thuận hàng hải với Lebanon và Israel, kết nối cơ sở hạ tầng mới giữa Jordan, Iraq và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Washington cũng đang nỗ lực giúp khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Bahrain và Qatar trong những ngày gần đây.