Tai nạn chết người trên xe Tesla gây quan ngại về công nghệ tự hành và ô tô điện
Vụ tai nạn khiến hai người thiệt mạng trên chiếc xe Tesla không tài xế tiếp tục đặt hãng ô tô điện Mỹ trước những câu hỏi về tính an toàn của công nghệ tự hành Autopilot, đồng thời chỉ ra việc hệ thống cứu nạn còn quá lạ lẫm với xe điện và pin lithium cỡ lớn.
Chiếc Tesla Model S xấu số.
Theo các báo Wall Street Journal và Reuters đưa tin sáng 19-4, hai người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn đêm trước đó (theo giờ địa phương), khi một chiếc ô tô điện Tesla Model S đời 2019 đâm vào gốc cây tại Houston (Texas, Mỹ).
Theo giới chức địa phương, không ai ngồi trên ghế lái ở thời điểm va chạm xảy ra. Thay vào đó, một người ngồi ở ghế phụ phía trước và một người ngồi ở phía sau. Chiếc xe đã di chuyển ở tốc độ cao và không xử lý được một khúc cua, dẫn tới văng ra khỏi đường rồi đâm vào một gốc cây trước khi bùng cháy.
Vụ việc lần này tiếp tục “đổ dầu vào lửa” trong bối cảnh Tesla đối mặt hàng loạt vụ điều tra liên quan tới công nghệ tự hành của hãng. Hồi tháng 3, Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết đang tiến hành 27 vụ điều tra liên quan tới các tai nạn của xe điện Tesla, trong đó có 3 vụ vừa xảy ra.
Theo giới chuyên môn, dù việc quy trách nhiệm cụ thể về vụ việc còn chờ kết quả điều tra, nhưng vụ tai nạn cho thấy người dùng vẫn hiểu nhầm ý nghĩa cơ chế tự hành của ô tô nói chung, trong đó có các gói sản phẩm như Autopilot của Tesla.
Họ cho rằng có thể để chiếc xe tùy ý di chuyển, thậm chí bản thân có thể rời khỏi ghế lái hoàn toàn. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, bộ máy quảng cáo cũng có phần trách nhiệm khi những hình ảnh quảng bá về các công nghệ tự hành thường xuyên mô tả đây là tính năng mới có thể thoải mái cho phép người dùng làm việc riêng mà không cần quan tâm tới quãng đường phía trước.
Người dùng cần tự trang bị đầy đủ kiến thức công nghệ tự hành trước khi mạo hiểm giao tính mạng cho... những chiếc xe.
Trên thực tế, xe tự hành luôn đi kèm những điều kiện nhất định. Tới thời điểm này, chưa có giải pháp thương mại nào cho phép người lái hoàn toàn không cần quan tâm tới vận hành của chiếc xe. Thay vào đó, họ phải sẵn sàng nắm kiểm soát vào bất kỳ lúc nào. Cơ chế an toàn cũng sẽ buộc những chiếc xe nhắc nhở tài xế nắm lấy vô lăng nếu đã tự hành quá lâu. Một số xe thậm chí chỉ cho phép kích hoạt cơ chế tự hành nếu tài xế đang cầm chắc vô lăng.
Cũng theo các phân tích, bên cạnh câu hỏi lớn về công nghệ tự hành, vụ tai nạn lần này còn cho thấy hệ thống cứu nạn, cứu hộ - ngay cả ở quốc gia phát triển như Mỹ - vẫn còn quá lạ lẫm với xe điện và pin lithium dung lượng lớn.
Theo NHTSA, khi đã bị hỏng hóc, pin điện thế cao của các loại ô tô điện dễ dàng bốc cháy trở lại kể cả khi lực lượng cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa. Điều này lý giải việc những người đầu tiên tiếp cận hiện trường mất tới 4 tiếng và hơn 120 mét khối nước chỉ để dập tắt lửa trên chiếc Model S, dù họ đã liên hệ với Tesla để được trợ giúp.
Tuy điều này không đồng nghĩa rằng thiết kế xe điện nguy hiểm, nhưng đã cho thấy việc các lực lượng cứu hộ cần thêm thời gian và kinh nghiệm để có thể xử lý các tình huống rủi ro liên quan tới ô tô điện nhanh chóng, hiệu quả như với các phương tiện xăng - dầu truyền thống. Họ cũng cần được đào tạo một cách bài bản để ứng phó với những loại hình phương tiện mới mẻ này.