Tai nạn do hàng xóm để vật liệu ra đường có được bồi thường?
Hàng xóm xây nhà để vật liệu ra đường, con tôi đi xe máy khuya về đâm phải bị ngã gãy tay. Vậy con tôi có được hàng xóm bồi thường?
Gửi câu hỏi tới Báo Giao thông, độc giả Nguyễn Thị Yến (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) phản ánh, nhà hàng xóm xây nhà để vật liệu ra đường, khiến con chị đi xe máy khuya về đâm phải bị ngã, gãy tay.
"Tôi sang nói chuyện thì người hàng xóm bảo đi đường phải chú ý quan sát. Vậy theo quy định pháp luật, trường hợp này con tôi có được hàng xóm bồi thường?", chị Yến hỏi.
Trả lời bạn đọc Báo Giao thông, Thiếu tá Tạ Việt Tiệp, Phó đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hành vi để vật liệu trái phép dưới lòng đường có thể được coi là một hành vi cản trở giao thông.
Theo đó; hành vi để trái phép vật liệu dưới lòng đường sẽ bao gồm các hành vi như: đổ đất, cát, xi măng xuống làn đường xe chạy hay trên vỉa hè; chiếm dụng vỉa hè hoặc lòng đường làm nơi để vật liệu xây dựng…
"Những hành vi như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia giao thông của mọi người. Bên cạnh đó, còn có thể có trường hợp người đi đường đâm vào vật liệu gây ra tai nạn", Thiếu tá Tiệp cho hay.
Theo Thiếu tá Tiệp, khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng sẽ xác định lỗi là ở bên nào gây ra và nếu lỗi được xác định do đống vật liệu xây dựng cản trở giao thông gây ra, thì phía nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường trên căn cứ thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (như xe hư hỏng) và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...)
Hành vi để trái phép vật liệu dưới lòng đường có thể bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân; 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức trong trường hợp: đổ; để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Ngoài ra, nếu gây hậu quả nặng nề, thì còn có thể đối mặt với tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào để trái phép vật liệu hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ làm chết 1 người hoặc gây thương tích/tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Như vậy, theo qui định, nếu có đủ căn cứ xác định, chủ đống vật liệu xây dựng không tuân thủ các quy định đảm bảo ATGT, gây TNGT, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và đối diện với các mức phạt, hình phạt tùy thuộc vào thiệt hại gây ra", Thiếu tá Tiệp nhấn mạnh.