Tai nạn do pháo - nỗi đau còn đó

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi đêm giao thừa, bố thường mang những bánh pháo có màu đỏ rực rỡ ra đốt. Trong hương xuân, tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi thật vui tai. Sau khi pháo đã đốt hết, chúng tôi thường đi nhặt những quả 'xịt' mang về bóc ra, lấy thuốc 'nổ' làm một quả pháo khác. Có lần, vì đốt quả pháo tự chế, tôi đã bị bật mất cả móng tay cái. Nhiều người bạn của tôi, vì làm pháo tự chế 'siêu to khổng lồ' đã gặp tai nạn khi đốt pháo, đến bây giờ, bàn tay trái thiếu đi hai, ba ngón, gặp nhiều khó khăn trong lao động, sản xuất và sinh hoạt.

Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu cho bệnh nhân nặng đêm giao thừa Tết Tân Sửu trong đó có bệnh nhân bị tai nạn do đốt pháo.

Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu cho bệnh nhân nặng đêm giao thừa Tết Tân Sửu trong đó có bệnh nhân bị tai nạn do đốt pháo.

Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định nêu rõ loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định số 137 ra đời. Tuy nhiên, do một bộ phận người dân trong cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng lầm tưởng Nghị định này ra đời là có thể đốt tất cả các loại pháo nên đã có không ít người vi phạm.

Chính vì để chống lãng phí và ngăn ngừa tai nạn thương tâm do pháo gây ra (như những người bạn của tôi đã gặp phải), ngày 8 tháng 8 năm 1994, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1995) nghiêm cấm sản xuất, mua bán và sử dụng pháo trên toàn quốc. Từ đó, những tai nạn thương tâm do pháo nổ cũng đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, dịp trước và trong Tết Tân Sửu 2021, tình trạng gặp tai nạn do đốt pháo đã có chiều hướng gia tăng trở lại ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Chỉ tính trong đêm giao thừa, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cấp cứu cho 7 trường hợp bị tai nạn do pháo nổ. Đây đều là những trường hợp bị rất nặng, dập nát bàn tay trái và đang ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài những trường hợp nêu trên, tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh chắc chắn cũng sẽ cấp cứu cho những trường hợp gặp tai nạn do đốt pháo những bị thương nhẹ hơn, có thể xử trí được ở những cơ sở y tế tuyến dưới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những bệnh nhân gặp tai nạn pháo nổ thường gặp các tổn thương về mắt hoặc bàn tay trái. Đơn cử như trường hợp của nam bệnh nhân 31 tuổi, ở xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên). Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào đêm giao thừa Tết Tân Sửu (khoảng gần 1 giờ ngày 12-2) trong tình trạng bị dập nát bàn tay trái. Tương tự, bệnh nhân nam 20 tuổi, ở xã Tân Khánh và bệnh nhân 10 tuổi ở xã Lương Phú (Phú Bình) cũng phải nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch khi bàn tay trái đã bị dập nát và mất nhiều máu. Ths.BS Lê Duy Đạo, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã tiến hành sơ cứu, chụp chiếu, băng bó rồi chuyển các bệnh nhân vào Khoa Chấn thương - Chỉnh hình để phẫu thuật.

Hiện nay, các ca tai nạn do nổ pháo dịp Tết Nguyên đán tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đều đã được phẫu thuật, có người đã xuất viện. Dù vậy, một điều chắc chắn rằng, các bệnh nhân đều phải chịu thương tổn suốt đời; ảnh hưởng đến thẩm mĩ, sức khỏe cũng như gặp nhiều khó khăn cuộc sống. Theo bác sĩ Đạo, trong gần 20 năm theo nghề, anh đã được chứng kiến những hậu quả không lường từ tai nạn do đốt pháo. Có những bệnh nhân chịu cảnh mù lòa suốt đời; có những người, may mắn thì giữ được bàn tay nhưng các ngón tay hoặc 2, 3 ngón tay đã bị mất, người bị nặng phải tháo khớp, mất cả bàn tay…

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận định, tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng. Bởi vậy, người dân, nhất là trẻ em cần được tuyên truyền, hiểu biết về những nguy hại do tự chế pháo nổ gây ra, nhất là trong dịp Tết để qua đó, người dân trên địa bàn tỉnh có nhận thức rằng sản xuất, sử dụng pháo không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp tai nạn, thậm chí là tử vong…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/tai-nan-do-phao-noi-dau-con-do-281582-85.html