Tai nạn đường thủy ở Cửa Đại: Tử vong nhiều do canô đóng kín?

Sau vụ lật canô khiến 17 người tử vong trên biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam dự kiến mời chuyên gia nghiên cứu, đánh giá lại việc thiết kế canô dạng đóng kín

Chiều 1-3, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo thông tin về vụ lật canô trên biển Cửa Đại làm 17 người thiệt mạng hôm 26-2.

"Bài học xương máu"

Thông tin với báo chí tại cuộc họp, thượng tá Võ Văn Minh, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết nguyên nhân cụ thể vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.

Công an đã làm việc với thuyền trưởng, thuyền phó và 12 hành khách đi tàu. Tất cả đều cho biết khi canô di chuyển từ Cù lao Chàm về Hội An thì gặp sóng to, đập vào mạn bên trái làm nước tràn vào, lật úp dẫn đến tai nạn. Lực lượng chức năng cũng đang thu thập máy ra đa của các tàu du lịch gần đó để làm rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết đến thời điểm này cơ bản đã thực hiện xong việc khắc phục hậu quả, trục vớt canô. Trước mắt, địa phương sẽ liên hệ với các công ty để chi trả bảo hiểm cho các nạn nhân.

Trên vùng biển Cửa Đại hiện có hơn 130 tàu cao tốc chuẩn SB dạng mui kín hoạt động

Trên vùng biển Cửa Đại hiện có hơn 130 tàu cao tốc chuẩn SB dạng mui kín hoạt động

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là bài học xương máu trong công tác quản lý tàu, thuyền đi lại trên sông, biển. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng công an khẩn trương điều tra, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 26-2, canô Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Khi cách bờ khoảng 3 km, canô lật làm 17 người chết, số còn lại được cứu sống. Trong các nạn nhân tử vong có 8 người là họ hàng, thông gia, sống ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã hỗ trợ các gia đình 10 triệu đồng/người tử vong, 4 triệu đồng/người bị thương; chi trả chi phí ăn, ở của thân nhân đến Hội An tìm kiếm nạn nhân; bố trí xe đưa nạn nhân về quê mai táng.

Lo ngại canô đóng kín

Chiều 1-3, tại cảng biển Cửa Đại, chỉ còn một số ít canô, tàu du lịch chở người dân ra đảo Cù lao Chàm theo tuyến đường thủy Hội An - Cù lao Chàm. Tuyến giao thông thủy này có hơn 130 canô hoạt động.

Theo tìm hiểu, chiếc canô QNa 1152 gặp nạn làm 17 người tử vong là canô cao tốc SB (pha sông, biển) đang sử dụng phổ biến ở Việt Nam, công suất 400 CV, trọng tải toàn phần 4,1 tấn, có tổng sức chở 39 người. Canô QNa 1152 được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam cấp phép đăng ký ngày 15-1-2020, đăng kiểm ngày 19-1-2022 (hiệu lực đến ngày 19-1-2023); được phép hoạt động ở vùng biển cách bờ không quá 12 hải lý, trong điều kiện gió không quá cấp 5.

Liên quan vấn đề dư luận quan tâm có phải do chiếc canô QNa 1152 cải hoán từ canô chuẩn SI (mui hở) sang chuẩn SB (mui kín) dẫn đến nhiều người tử vong dù mặc áo phao hay không, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết hơn 15 năm qua, ngành du lịch Hội An chỉ dùng canô chuẩn SI. Loại canô này thiết kế dạng mui hở, phần trên hai mạn trống, không bịt bùng, chở số lượng người ít hơn, du khách có thể bị ướt do sóng tạt nhưng nếu bị nạn thì dễ thoát trên biển nhờ mặc áo phao, lực lượng cứu hộ cũng dễ dàng tiếp cận. Trong các sự cố xảy ra, chưa có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, từ năm 2018, Bộ GTVT yêu cầu chuyển đổi từ canô chuẩn SI sang SB. "Nói cho đúng thì chuẩn SB chạy 2 máy an toàn hơn, chạy nhanh hơn, chứa nhiều người hơn, đi được cấp sóng lớn hơn. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố thì cứu hộ rất khó khăn, thương vong nhiều hơn" - ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, địa phương sẽ mời chuyên gia kiểm tra để có kiến nghị cụ thể về việc sử dụng loại canô cao tốc nào nhằm bảo đảm an toàn.

"Loại phương tiện theo chuẩn mới so với loại trước đây có ưu, nhược điểm gì, phù hợp với đặc điểm của khu vực ra sao, cơ quan chức năng sẽ có nghiên cứu đánh giá. Tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT để có kinh nghiệm áp dụng cho các địa phương, tùy điều kiện cụ thể" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN VŨ HẢI, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam:

Tuân thủ theo chuẩn quốc tế

An toàn tàu khách cao tốc được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cân nhắc rất kỹ. Họ đã nghiên cứu, đưa quy định về an toàn vào bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc năm 1994 và năm 2000. IMO đã đánh giá tất cả rủi ro trong hoạt động của tàu đến mức chấp nhận được. Căn cứ quy định tại bộ luật này, các nước xây dựng quy chuẩn tương ứng của quốc gia mình. Việt Nam đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tàu cao tốc căn cứ bộ luật trên, có tham khảo quy định của các quốc gia tiên tiến cũng như tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới.

Ngoài Cửa Đại - Cù lao Chàm, hiện trên toàn quốc có nhiều tuyến vận tải khách từ bờ ra đảo bằng tàu cao tốc và đều có cấu hình dạng mui kín, lối thoát hiểm ở phía hai đầu phương tiện. Cấu hình của cabin tàu cao tốc chở khách bắt buộc phải kín, nếu không sẽ gây mất an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành. Đây là cấu hình tuân thủ theo quy định quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy.

Ngược lại, nếu không có mui kín, khi gặp gió, mưa, sóng, nước tạt đánh lên khoang, có thể làm cho tàu bị mất ổn định, gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng hành khách.

Hằng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đều có kế hoạch rà soát các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Sau vụ tai nạn thương tâm này, chúng tôi sẽ xem xét thêm khi có kết quả xác định nguyên nhân đầy đủ, từ đó có các nghiên cứu để đề xuất sửa đổi quy định. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định mới của IMO và các quốc gia, tổ chức đăng kiểm tiên tiến để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm tăng cường tính an toàn kỹ thuật của phương tiện.

V.Duẩn ghi

Bài và ảnh: HẢI ĐỊNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tai-nan-duong-thuy-o-cua-dai-tu-vong-nhieu-do-cano-dong-kin-20220301215458105.htm