Tai nạn giao thông - Cần hơn một ý thức trách nhiệm với cộng đồng

Kỳ 1: Báo động “đỏ” về tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả đem lại nhẹ thì mang trên mình thương tích, những di chứng khó phục hồi, thậm chí mất đi cả tính mạng khiến gia đình mất đi người thân, bao gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, kinh tế gia đình gặp khủng hoảng nghiêm trọng... Đó là những hệ lụy đau xót. Theo đánh giá của cơ quan chức năng ngoài các yếu tố tác động khách quan, thì một trong những nguyên nhân chủ quan hàng đầu dẫn đến TNGT là do một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT)…

Nỗi đau không của riêng ai

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ vụ tại nạn thảm khốc xảy ra vào hồi tháng 3/2019 tại ngã tư chân chim, thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Một xe khách bất ngờ đâm vào đoàn người đi đưa tang làm 7 người tử vong tại chỗ và 3 người bị thương nặng. Không khí tang thương bao trùm cả một vùng quê lúc bấy giờ. Theo kết luận của cơ quan điều tra, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên là do tài xế không chú ý quan sát.

Tình trang thanh niên đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Công Trứ, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên). Ảnh: Hiền Loan

Tình trang thanh niên đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Công Trứ, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên). Ảnh: Hiền Loan

TNGT không chỉ gây thiệt hại tính mạng, thương tích cho người bị nạn mà nó còn là nỗi đau dai dẳng với người còn sống. Đó là trường hợp của hai chị em Trần Khánh Hoài (học sinh Trường THPT Tam Dương II) và Trần Việt Hải (học sinh Trường tiểu học và THCS Hợp Hòa, huyện Tam Dương).

Bố mẹ Hoài và Hải tử vong trong một vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2019 do người điều khiển phương tiện ô tô tải thiếu quan sát tông trực diện vào bố mẹ em khi đang tham gia giao thông… Vụ tai nạn đau lòng trên đã khiến hai em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, được sống trong vòng tay thương yêu của bố mẹ bỗng rơi vào cảnh mồ côi.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xảy ra hơn 200 vụ TNGT, làm tử vong 168 người, bị thương 212 người, trong đó, chủ yếu là TNGT đường bộ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNGT đường bộ, làm 11 người tử vong, 12 người bị thương. Trong đó, có đến hơn 50% số vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Ý thức tham gia giao thông còn hạn chế

Theo Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý giao thông thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh: Mặc dù đã có chế tài xử phạt ngày càng tăng nặng với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng tình trạng mất TTATGT vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng CSGT công an tỉnh siết chặt công tác kiểm soát nồng độ cồn với tài xế ô tô Ảnh: Kim Ly

Lực lượng CSGT công an tỉnh siết chặt công tác kiểm soát nồng độ cồn với tài xế ô tô Ảnh: Kim Ly

Thực tế, khi có lực lượng chức năng thì ý thức tham gia giao thông của người dân khá nền nếp, trật tự. Song khi vắng bóng lực lượng chức năng thì không ít người tham gia giao thông sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn làn đường, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu…

Nhiều thanh, thiếu niên còn thách thức lực lượng cảnh sát giao thông điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu, thậm chí sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến mất kiểm soát về hành vi gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Điển hình, vụ việc một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe mô tô với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu dừng xe mà còn cố ý tăng ga đâm trực diện, hất tung một chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại đường 36 đoạn chạy qua thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên hồi tháng 3/2021 khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trước đó, vào tháng 4/2020 tại tỉnh lộ 305 đoạn qua phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, một tài xế ô tô sử dụng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn làm thương vong 2 người phụ nữ đang đi bộ trên đường…

Thực trạng trên cho thấy, ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức tham gia giao thông của người dân, thì còn có nhiều yếu tố khách quan tác động dẫn đến TNGT. Mặc dù những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay khi mật độ người và phương tiện giao thông tăng nhanh, nhất là trong các khu công nghiệp, đô thị.

Việc xử lý, cải tạo các điểm bất cập, tiềm ẩn nguy cơ TNGT còn chậm, do nguồn kinh phí hạn hẹp, không được bố trí kịp thời. Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT làm nơi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT…

Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về giải tỏa hành lang ATGT, thiết lập kỷ cương TTATGT trên địa bàn tỉnh. Với sự chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai, song, ở một số nơi thực hiện không thường xuyên, liên tục.

Do đó, kết quả đạt được không cao, các hành vi vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn tái diễn. Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông còn thiếu về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, công cụ… gây nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm…

TNGT có thể xảy ra với bất cứ ai! Chính vì thế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông để bảo vệ tính mạng của bản thân và hạnh phúc gia đình.

Phương Loan - Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/64307/tai-nan-giao-thong---can-hon-mot-y-thuc-trach-nhiem-voi-cong-dong.html