Tai nạn giao thông tăng đột biến, Đồng Tháp quyết liệt giải pháp kiềm chế
Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn biến khá phức tạp, chỉ trong quý I năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ mức độ nghiêm trọng trở lên, làm 50 người tử vong, tăng đột biến với hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Người tử vong tăng hơn 50%
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, trong quý I năm 2024, về tai nạn giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ va chạm giao thông, làm 4 người bị thương; 11 vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng, làm 11 người bị thương. Đáng lưu ý, tai nạn giao thông từ mức độ nghiêm trọng trở lên xảy ra 48 vụ, làm 50 người tử vong, 6 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 186,6 triệu đồng. So sánh với quý I năm 2023, số vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên tăng 15 vụ (tăng 45,45%), tăng 17 người tử vong (tăng 51,52%). Bên cạnh đó, quý I năm 2024, địa bàn tỉnh cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy, không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản khoảng 450 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2024, các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Tháp Mười là 3 địa phương ở Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Bà Trương Thị Diệp, Quyền Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, có 3 tuyến quốc lộ và 4 tỉnh lộ qua địa bàn huyện, tổng chiều dài trên 100km. Đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 8 vụ nghiêm trọng, làm 8 người tử vong, so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ và tăng 5 người tử vong. Mặc dù địa phương đã quan tâm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhưng tình hình tai nạn giao thông chưa được kiềm chế, diễn biến phức tạp, tăng về số vụ và số người tử vong.
Bà Trương Thị Diệp cho rằng, yếu tố con người là nguyên nhân chủ yếu trong các vụ tai nạn giao thông vừa qua. Một bộ phận người tham gia giao thông chưa có ý thức trong chấp hành pháp luật về giao thông. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường vẫn còn diễn ra; hành vi vi phạm nồng độ cồn giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại. Đa số người vi phạm pháp luật về giao thông và gây tai nạn là thanh, thiếu niên.
Phân tích của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp cho thấy, những vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên phần lớn xảy ra trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, chiếm 70,8% số vụ; phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe ô tô va chạm xe mô tô, chiếm 33,33% số vụ. Đáng quan tâm là tai nạn giao thông xảy ra giữa xe mô tô và người đi bộ, đi xe đạp diễn ra khá nhiều với 13 vụ. Thời gian xảy ra tai nạn giao thông tập trung khung giờ từ 18 giờ đến 24 giờ với 24 vụ (chiếm 50%).
Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ chiếm đa số (Quốc lộ 30, 80 và N2). Các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; quá tải hạ tầng giao thông đường bộ. Điển hình như Quốc lộ 30, lưu lượng xe lưu thông trong ngày thường từ 11.000 - 12.000 xe/ngày đêm; thời điểm lễ, Tết có khi tăng lên khoảng 18.000 xe/ngày đêm, vượt nhiều lần so với quy mô thiết kế của mặt đường. Thêm nữa, Quốc lộ này là làn xe hỗn hợp nên dễ xảy ra va chạm giao thông.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp cho hay, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra tổng cộng 155 vụ tai nạn gia thông, làm 157 người tử vong. Chỉ trong quý I/2024, Đồng Tháp đã xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông đường bộ, hơn 1/3 so với cả năm 2023. Do vậy, trong 3 quý còn lại, việc kiềm chế tai nạn giao thông tại tỉnh để số lượng tương đương năm 2023 là rất khó khăn.
Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông
Những tháng đầu năm 2024, bằng nhiều hình thức, các ngành, các địa phương của tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến nhiều đối tượng; duy trì, phát triển nhiều mô hình an toàn giao thông như “Cổng trường an toàn giao thông”, “Trạm dừng chân nghĩa tình”, “Tổ tự quản an toàn giao thông”… Bên cạnh đó, lực lượng Công an và Thanh tra Sở Giao thông vận tải tuần tra, kiểm soát trên đường bộ, đường thủy gần 6.000 ca; xử phạt vi phạm hành chính 10.700 trường hợp với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Đặc biệt, trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 3.786 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3.208 trường hợp vi phạm quá tốc độ, 3.136 trường hợp vi phạm không có Giấy phép lái xe.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, các lực lượng chức năng đã vào cuộc, trong đó, Công an xử phạt về nồng độ cồn, giảm đáng kể các vụ tai nạn liên quan tới nồng độ cồn; thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong quý I năm 2024, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng đột biến.
Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, Trưởng Ban An toàn giao thông cấp huyện phải phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Lãnh đạo địa phương trực tiếp đi kiểm tra các “điểm đen” về tai nạn giao thông và có biện pháp giải quyết. Sở Giao thông vận tải cần kiểm tra, đánh giá, đảm bảo vị trí lắp đặt biển báo giao thông phù hợp. Các ngành chức năng phối hợp thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông và xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, trong đó có xử phạt “nguội”.
Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo về tình hình tai nạn giao thông trên tinh thần phải báo cáo đúng, đủ và kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở về an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên; chấn chỉnh công tác đào tạo, cấp Giấy phép lái xe, dứt khoát không để tồn tại cơ sở đào tạo lái xe “chui”, không đảo bảo chất lượng.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, xảy ra tai nạn giao thông cũng có nguyên nhân liên quan đến kỹ năng lái xe, xử lý tình huống; tổ chức giao thông tại một số điểm chưa hợp lý. Nhiều trường hợp tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe. Đại tá Nguyễn Văn Hiểu lưu ý lực lượng Công an các địa phương, cùng với việc thống kê, báo cáo, cần tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân chính và nguyên nhân phụ của các vụ tai nạn giao thông, nhằm đánh giá cụ thể, có hướng khắc phục. Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác nghiệp vụ; nắm tình hình, lên danh sách những điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho hay, đơn vị tiếp tục công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ. Năm qua, với sự hỗ trợ của các địa phương, Sở đã giải tỏa hơn 80km hành lang đường bộ đối với đường tỉnh lộ. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp tiến hành giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn trên một số tuyến quốc lộ. Sở tiếp tục phối hợp cùng ngành Công an rà soát những điểm bất cập về biển báo, về điểm đấu nối để khắc phục, duy tu, sửa chữa kịp thời.