Tai nạn Jeju Air: Hộp đen tắt sau 5 giây, nguyên nhân còn bỏ ngỏ
Thiết bị ghi dữ liệu dừng hoạt động sau khi động cơ trái bị tắt, khiến quá trình điều tra vụ tai nạn khiến 179 người tử vong gặp nhiều lỗ hổng chưa thể làm rõ.

Chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận do lỗi phi công trong vụ tai nạn Jeju Air do chưa có dữ liệu chi tiết trong buồng lái. Ảnh: New York Times
Theo báo cáo điều tra sơ bộ, chiếc máy bay gặp nạn vào tháng 12/2024 chỉ còn hoạt động với động cơ phải đã bị hư hỏng nặng, trong khi động cơ trái - ít bị ảnh hưởng hơn từ vụ va chạm với chim - đã bị phi công tắt.
Nguồn tin am hiểu quá trình điều tra cho biết, việc tắt nhầm động cơ nhiều khả năng đã dẫn đến mất điện nghiêm trọng và loại bỏ lực đẩy chính, khiến phi công gần như không thể kiểm soát việc hạ cánh.
Trong tình trạng thiếu điện, hệ thống càng đáp không được kích hoạt. Máy bay tiếp đất bằng bụng, trượt dài, đâm vào tường bê tông cuối đường băng và bốc cháy dữ dội. Chỉ có hai tiếp viên sống sót, toàn bộ hành khách và tổ bay còn lại đều thiệt mạng.
Kết quả điều tra mới - một phần được trình bày trong báo cáo giữa kỳ gửi thân nhân nạn nhân hôm 19/7 cũng đang làm dấy lên tranh cãi về cách phi công xử lý tình huống khẩn cấp sau khi máy bay bị chim lao vào, gây hư hỏng cho cả hai động cơ.
Chuyên gia hàng không Mỹ nhận định, không thể loại trừ khả năng phi công đã xác định sai động cơ cần tắt. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo không nên vội kết luận khi chưa có đầy đủ dữ liệu buồng lái, theo New York Times.
“Nếu các phi công mất màn hình hiển thị sau cú va chạm, họ có thể không nhận biết rõ động cơ nào hỏng”, ông Joe Jacobsen, chuyên gia an toàn hàng không từng làm việc tại Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết. Ông nhấn mạnh cần có dữ liệu chi tiết trong buồng lái để làm rõ.
Theo điều tra, các thiết bị ghi âm và ghi dữ liệu chuyến bay ngừng hoạt động chỉ 5 giây sau khi động cơ trái bị tắt, khiến khoảng thời gian quan trọng còn lại không được ghi lại. Trong vài phút sau đó, phi công cố gắng bay vòng lại để hạ cánh khẩn, nhưng không thành công.
Báo cáo không nêu rõ lý do vì sao tổ bay không kích hoạt càng đáp bằng tay, cũng như liệu máy phát điện dự phòng có hoạt động hay không.

Các mốc thời gian của chiếc máy bay Jeju Air trong thảm họa khiến 179 người thiệt mạng. Ảnh: New York Times - Việt hóa: Phương Linh.
Cuộc phân tích kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6 do các chuyên gia Hàn Quốc, Mỹ và Pháp thực hiện xác nhận không phát hiện lỗi kỹ thuật có sẵn ở cả hai động cơ trước tai nạn.
Điều tra viên cho biết sau vụ va chạm với chim, cả hai động cơ đều hoạt động với rung chấn bất thường - dấu hiệu cho thấy có thể đã bị hư hỏng. Phân tích cũng phát hiện lông chim trong cả hai động cơ.
Đặc biệt, động cơ bên phải bị cháy bên trong, phát sinh khói đen và mất khả năng nén khí, nhưng vẫn còn hoạt động phần nào ngay trước khi máy bay tiếp đất. Một số chuyên gia Mỹ nhận định khả năng động cơ phải vẫn tạo được lực đẩy nhưng không đủ để duy trì hoạt động bình thường.
Những tai nạn hàng không trước đây như thảm họa Kegworth (Anh, năm 1989) và vụ rơi máy bay TransAsia (Đài Loan, năm 2015) cũng xảy ra do phi hành đoàn tắt nhầm động cơ đang hoạt động tốt, dẫn đến máy bay mất hoàn toàn lực đẩy. Hậu quả là hàng chục người thiệt mạng.
Chuyên gia cho rằng khi động cơ ngừng hoạt động, máy bay mất lực đẩy và hệ thống điện, khiến phi công chỉ còn trông vào các thao tác thủ công và quy trình khẩn cấp.
“Trong điều kiện bình thường, phi công có thể xác định động cơ trục trặc. Nhưng nếu hệ thống hỏng hoặc dữ liệu không đáng tin, việc đó trở nên khó khăn. Khi màn hình tối đen, họ gần như không còn gì để bám víu”, ông John Goglia, cựu thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), nhận định.