Tai nạn lao động: Đừng rút kinh nghiệm xong lại để xảy ra tai nạn
Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại khu công nghiệp (KCN) Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào ngày 14/5 vừa qua khiến 10 người tử vong và 14 người bị thương là sự việc hết sức đau lòng, đến nay vẫn để lại nỗi đau cho thân nhân người bị nạn. Đây thực sự là hồi chuông báo động cho việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng ở Đồng Nai nói riêng và các tỉnh/thành khác nói chung.
Vụ tai nạn lao động này không phải lần đầu tiên xảy ra làm nhiều người thiệt mạng, mà vào tháng 3/2019, tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bohsing (KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng xảy ra sự cố đổ sập đoạn tường dài khoảng 30m, cao 12,57m, làm 7 người tử vong và nhiều người bị thương. Qua vụ việc này, các ngành chức năng đã “rút kinh nghiệm” nhưng lại vẫn để xảy ra tai nạn thương tâm hơn.
Theo cơ quan chức năng, về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động, chủ yếu là không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có…
Ngay tại địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, làm nhiều người thiệt mạng mà nguyên nhân do không chấp hành các quy định về an toàn lao động, bất cẩn, không được tập huấn đảm bảo an toàn lao động trước khi làm việc…
Trao đổi với PV Báo CAND, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 95 vụ tai nạn lao động, làm chết 95 người, bị thương nặng 4 người, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tai nạn xảy ra nhiều nhất là lĩnh vực xây dựng với 66/95 vụ (chiếm 69,5%), gồm: 34 vụ điện giật, 24 vụ ngã cao, 4 vụ vật đè (sập tường), 2 vụ vật rơi, 1 vụ đất vùi, 1 vụ rơi thang máy. Có 26/95 vụ xảy ra trong công trình xây dựng công nghiệp như: xây dựng hạ tầng bờ kè, xây dựng nhà máy, xây dựng nhà cao tầng,… và 40 vụ xảy ra trong công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân.
Với 34 vụ tai nạn do điện giật trong lĩnh vực xây dựng, theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu do người lao động bất cẩn trong sử dụng điện, mà chủ yếu là xảy ra tai nạn khi sử dụng máy trộn bê tông và máy cầm tay có sử dụng điện như máy đảo bột bả trét tường để sơn, máy khoan, máy cắt… bị hở điện.
“Thông thường, sau khi sử dụng thì máy trộn bê tông được để ngoài trời mưa nắng ở công trình và do di chuyển nhiều nên rất dễ làm hỏng dây điện. Còn máy cầm tay là phương tiện di chuyển nhiều, người sử dụng quăng ném ở công trình… nên rất dễ làm dây điện bị đứt, hở dây dẫn đến điện giật khi người lao động sử dụng. Trong khi đó người sử dụng lao động ít khi nào kiểm tra xem dây điện có bị hở hay không, mà chỉ khi nào máy móc hư hỏng hoặc xảy ra sự cố mới sửa chữa”, ông Nguyễn Quang Khải, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết.
Như trường hợp một công nhân dùng máy trộn bột bả tại công trình xây dựng ở quận 2, do dây điện đứt nên người này bị điện giật. Thấy đồng nghiệp bị điện giật, người làm cùng đã rút dây điện ở ổ cắm, người bị nạn liền ngã nằm xuống đất và được đưa đến bệnh viện quận 2 cấp cứu bằng xe máy. Nhưng khi đến nơi, qua thăm khám, bác sĩ cho biết nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động nhiều thứ hai là trong sản xuất với 20/95 vụ (chiếm 21%), gồm: 7 vụ điện giật, 3 vụ vật đè ép, 3 vụ vật văng bắn, 2 vụ ngã cao, 2 vụ máy cuốn, 2 vụ sự cố thiết bị (1 vụ tuột móc cẩu và 1 vụ gãy càng nâng xe nâng hàng), 1 vụ nổ nồi hơi.
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ xảy ra 9/95 vụ (chiếm 9,5%), gồm: 6 vụ điện giật, 2 vụ ngã cao, 1 vụ ngã sông.
Đứng đầu về tai nạn ở các lĩnh vực trên vẫn là do điện giật, xuất phát từ những máy móc sử dụng tại công trình nhưng không được bảo trì sửa chữa. Trong số những người bị điện giật, đa số là người mới vào làm việc, tuổi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động.
Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết, tổng số vụ tai nạn lao động đã kết luận của năm 2019 đến nay là 67/95 vụ, trong đó số vụ đã kết luận của lĩnh vực xây dựng là 43/66 vụ, số còn lại đang tiếp tục điều tra.
Để phòng ngừa tai nạn, ngành chức năng đã thường xuyên tuyên truyền pháp luật, đồng thời kiểm tra xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí cố tình vi phạm. Do đó, trong năm 2019, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã xử phạt vi phạm hành chính 83 tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn vệ sinh lao động để xảy ra tai nạn lao động, với tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng. Số vụ đề nghị khởi tố tai nạn lao động của năm 2019 là 8 vụ, trong đó có 6 vụ đề nghị khởi tố trong lĩnh vực xây dựng.
Riêng từ đầu năm 2020 đến nay (từ ngày 1/1 đến ngày 15/5/2020), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 21 vụ tai nạn lao động, làm chết 24 người, bị thương 2 người (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, lĩnh vực xây dựng vẫn dẫn đầu số vụ tai nạn với 14/21 vụ (chiếm 66,7%), gồm: 10 vụ ngã cao, 3 vụ điện giật, 1 vụ vật đè. Có 7/21 vụ ngã cao xảy ra trong công trình xây dựng hạ tầng, xây dựng tòa nhà cao tầng và 7 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân. Còn lĩnh vực thương mại – dịch vụ là 6/21 vụ (chiếm 28,6%), gồm: 2 vụ điện giật, 1 vụ phóng điện, 1 vụ va đập, 1 vụ bị đột quỵ khi làm việc. Lĩnh vực sản xuất xảy ra 1/21 vụ (chiếm 4,7%) do vật văng bắn. Các vụ tai nạn lao động từ đầu năm đến nay vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra.
Ông Nguyễn Quang Khải cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã xử phạt vi phạm hành chính 36 tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn vệ sinh lao động để xảy ra tai nạn lao động với tổng số tiền xử phạt là 623 triệu đồng.
Qua các vụ tai nạn lao động, cho thấy đa số là do điện giật và ngã cao, hầu hết các vụ tai nạn đều dẫn đến chết người. Nhưng khi xảy ra tai nạn lao động, người dân không biết cách xử lý ban đầu mà sử dụng xe máy chở nạn nhân đến bệnh viện. Trong quá trình di chuyển rất dễ xảy ra các biến cố và dễ làm nạn nhân bị nặng hơn hoặc tử vong. Khi không may xảy ra tai nạn, người dân hạn chế di chuyển nạn nhân bằng xe máy đến bệnh viện mà nhanh chóng sơ cứu ban đầu, đồng thời gọi điện thoại cho trung tâm cấp cứu 115 đến. “Khi xảy ra tai nạn, người dân cần biết cách sơ cứu ban đầu, vì khi quá thời gian vàng thì khó chữa trị”, ông Nguyễn Quang Khải chia sẻ.
Cũng theo Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ tại nạn lao động xảy ra tại các công trình nhà dân. Các công trình này chủ yếu do những người từng làm nghề xây dựng, sau đó đứng ra nhận thầu nên không nắm hết các quy định về đảm bảo an toàn lao động. Sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan xác minh thì hầu như “chủ thầu” từ nơi khác đến TP Hồ Chí Minh ở trọ và làm việc. Khi xác minh tại nơi có hộ khẩu thường trú thì địa phương báo vắng mặt đi làm ăn xa. Có nhiều trường hợp, sau khi xảy ra tai nạn “chủ thầu” chuyển nhà trọ từ quận/huyện này sang quận/huyện khác, chuyển đến các tỉnh/thành khác… nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong điều tra.
Việc đảm bảo an toàn lao động cần được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt hơn nữa, đừng để khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, đau lòng mới siết lại, sau đó lại buông lỏng.