Tai nạn lao động, nỗi đau không thể phai mờ và mong mỏi của công nhân

Gần đây, tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều công nhân. Do đó, công nhân lao động mong muốn chủ doanh nghiệp và cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

Ám ảnh từ những vụ tai nạn

Gần một tháng đã trôi qua, nhưng chị Thạch Thị Thu (23 tuổi), vợ anh Trần Đinh Kha (28 tuổi), nạn nhân không may qua đời do bị xe nâng hàng chèn vào kệ sắt xảy ra ngày 3/5, vẫn còn chìm trong bàng hoàng, không thể tin nổi sự thật đau lòng ấy.

Chị Thạch Thị Thu ôm người chồng xấu số khóc ngất (ảnh: ĐC)

Chị Thạch Thị Thu ôm người chồng xấu số khóc ngất (ảnh: ĐC)

Vợ chồng chị Thu quê ở Cà Mau, lên Bình Dương làm công nhân với mong muốn có được công việc ổn định để có tiền lo cho con nhỏ. Thế nhưng, tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng anh Kha trước khi anh được nhìn thấy mặt đứa con đầu lòng.

Chị Thu nghẹn ngào chia sẻ, khi nghe tin chồng bị tai nạn, chị không tin vì trước đó anh có gọi điện về hỏi thăm. Khi chạy đến nơi, chị thấy chồng nằm đó mà nghẹn lời. Nỗi đau mất chồng cộng với gánh nặng lo cho con nhỏ khiến chị Thu suy sụp hoàn toàn.

Chị Thu kể lại: "Hai vợ chồng chăm chỉ làm việc, dành dụm hơn 10 triệu đồng chuẩn bị cho việc sinh con. Sau khi sinh con, tôi dự định sẽ kiếm thêm việc làm để vừa chăm con vừa kiếm tiền lo cho cuộc sống, vì không có ai phụ giúp".

Ngoài trường hợp anh Kha, trong tháng 5/2024, tại Bình Phước cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong. Đó là vụ nam công nhân bị cuốn vào máy trộn khi đang đổ bột mì vào máy. Trường hợp khác, một nữ công nhân bị thang cuốn đè trong lúc đứng trên xe nâng sửa lò hơi.

Anh Nguyễn Văn Lưu, công nhân ở Bình Phước đổ bột mì vào máy trộn thì bị máy cuốn dẫn đến tử vong (ảnh cắt từ video)

Anh Nguyễn Văn Lưu, công nhân ở Bình Phước đổ bột mì vào máy trộn thì bị máy cuốn dẫn đến tử vong (ảnh cắt từ video)

Tại Đồng Nai cũng xảy ra tai nạn lao động do nổ lò hơi, khiến 6 công nhân thiệt mạng khi họ đang làm việc.

Trước những vụ tai nạn lao động thương tâm liên tiếp xảy ra, công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy cũng không khỏi lo lắng. Do đó, bên cạnh việc yêu cầu công ty trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, công nhân cũng phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân bằng cách cẩn trọng hơn trong lúc làm việc.

Nhiều công nhân ở Bình Dương và Bình Phước chia sẻ:

-Thấy nhiều vụ máy móc cuốn người cũng thấy sợ, thấy rất nguy hiểm nên mình cũng cảnh giác.

-Mình tự bảo vệ mình cho mình chứ tai nạn xảy ra đâu ai muốn nên sẽ coi việc nào làm được thì làm không thì thôi.

-Tai nạn lao động ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nên mong muốn các doanh nghiệp quan tâm việc đảm bảo an toàn lao động hơn, thường xuyên sửa chữa máy móc để tránh tai nạn, rủi ro xảy ra khi công nhân sử dụng.

Giảm thiểu tai nạn lao động

Tai nạn lao động không chỉ gây ra những tổn thất về người mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội. Khi người lao động gặp tai nạn, họ không chỉ mất đi sức khỏe, khả năng lao động mà còn phải gánh chịu gánh nặng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bản thân và gia đình.

Một doanh nghiệp ở Bình Dương tập huấn an toàn lao động cho người lao động (ảnh: ĐC)

Một doanh nghiệp ở Bình Dương tập huấn an toàn lao động cho người lao động (ảnh: ĐC)

Thế nhưng, hiện nay, tại một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Họ không trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, không thường xuyên tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động, thậm chí còn bỏ qua việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề tai nạn lao động, các cấp chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn và giảm thiểu tối đa những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động cũng được yêu cầu phải xây dựng hệ thống đánh giá các thiết bị đúng theo quy chuẩn; nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy cơ để phòng tránh.

Đoàn công tác của UBND thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước gặp gỡ, hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình nạn nhân Nguyễn Văn L. (ảnh: ĐC)

Đoàn công tác của UBND thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước gặp gỡ, hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình nạn nhân Nguyễn Văn L. (ảnh: ĐC)

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 1,3 triệu lao động đang làm việc tại các nhà máy. Sở đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người lao động về thực hiện các quy chuẩn về an toàn lao động. Sở cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho nhóm lao động phi chính thức và lao động tự do.

"Đối với nhóm lao động phi chính thức, hiện nay tập trung nhiều trong ngành nghề xây dựng, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nắm vững các quy định về an toàn lao động, từ đó hạn chế tai nạn lao động. Sở đề nghị chính quyền cấp xã, phường, thị trấn tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phi chính thức để có thể hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, phối hợp với các ngành, các cấp để giải quyết trong thời gian sắp tới”, ông Phạm Văn Tuyên cho biết.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thăm, tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động (ảnh: BD)

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thăm, tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động (ảnh: BD)

Còn tại Bình Phước với hơn 400.000 lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định pháp luật chính sách an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại 20 doanh nghiệp có nhiều lao động, sử dụng các loại máy móc, phương tiện có nguy cơ mất an toàn lao động.

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết: “Vào quý III, Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành về lao động nước ngoài cho thuê lại lao động. Theo đó, Sở sẽ tiếp tục lồng ghép công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động vào hai đoàn kiểm tra này để tăng tần suất thanh tra, kiểm tra. Qua đó, kịp thời phát hiện và kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn lao động".

Tai nạn lao động là một vấn đề nhức nhối, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng và doanh nghiệp, mỗi người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, tranh chủ quan để hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm xảy ra.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tai-nan-lao-dong-noi-dau-khong-the-phai-mo-va-mong-moi-cua-cong-nhan-post1098593.vov