Tai nạn rình rập tại nút giao trên cầu Bình Lợi
Trong năm 2016 xảy ra hai vụ tai nạn làm hai người chết. Từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra các vụ va quẹt nhẹ.
Trên cầu Bình Lợi hiện nay (theo hướng lưu thông từ Tân Sơn Nhất về Thủ Đức) có một lối mở để ô tô rẽ phải xuống cầu về vòng xoay Bình Triệu, xe máy rẽ trái để qua cầu vượt.
Theo đó, nút giao cắt này tạo thành hình chữ X và ở chiều ngược lại cũng có một lối mở tương tự. Ngoài ra, thêm hai điểm giao cắt hình chữ X tại chân cầu vượt (hướng từ Thủ Đức về sân bay Tân Sơn Nhất) đã tạo thành bốn nút giao chữ X vô cùng nguy hiểm tại khu vực này khi ô tô và xe máy chen nhau chuyển làn.
Suýt tông xe khi chuyển làn
Chị Nguyễn Vân Hà (ngụ quận 3, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Hằng ngày tôi phải đi xe máy qua cầu Bình Lợi để đến cơ quan ở quận Thủ Đức làm việc. Tuy nhiên, mỗi lần chạy qua khu vực nút giao hình chữ X là tôi lại nơm nớp lo sợ. Tôi đã nhiều lần chứng kiến tai nạn xảy ra do các xe máy chuyển làn vào bên trong để đi lên cầu vượt. Vì vậy tôi thà chọn cách chạy thẳng xuống vòng xoay, chấp nhận mất thời gian chờ đèn đỏ chứ không chạy lên cầu vượt vì rất nguy hiểm”.
Cùng nỗi lo lắng như chị Vân Hà, anh Nguyễn Huy Cường (tài xế ngụ quận 5) cho biết: “Khi chạy qua cầu Bình Lợi, tôi thường phải lái xe chậm và quan sát kỹ trước khi qua nút giao hình chữ X. Vào giờ cao điểm, các phương tiện tạt sang đường bất chấp nên rất dễ gây ra tai nạn. Bản thân tôi cũng đã có lần suýt tông vào xe máy khi tôi chuyển làn để xuống vòng xoay còn người kia thì điều khiển xe máy chạy qua cầu vượt”.
Nhiều người dân ở khu vực cho biết thêm đã từng có tai nạn chết người xảy ra nơi đây. Riêng việc va chạm nhau giữa các xe thì xảy ra khá thường xuyên.
Nên phân luồng hợp lý
Theo nhiều người dân, ngoài nguyên nhân phân luồng giao thông không hợp lý, tạo thành các điểm giao chữ X nguy hiểm thì việc các phương tiện được phép lưu thông qua cầu Bình Lợi với tốc độ cao cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn.
Được biết hiện nay tốc độ tối đa dành cho xe máy lưu thông qua cầu đến 50 km/giờ và ô tô đến 80 km/giờ. Nhiều phương tiện qua các điểm giao cắt này thường chạy khá nhanh và khi chuyển làn còn không bật đèn xi nhan xin đường.
Theo một cán bộ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, đơn vị thường xuyên tổ chức chốt chặn tại vị trí điểm giao chữ X trên cầu nhằm xử lý các phương tiện chuyển làn không bật tín hiệu đèn xi nhan. Tuy nhiên, khi vắng bóng CSGT, nhiều phương tiện vẫn lưu thông với tốc độ rất cao, không có đèn báo hiệu khi chuyển làn.
Sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong năm 2016 tại khu vực cầu Bình Lợi xảy ra hai vụ tai nạn làm hai người chết. Từ đầu năm 2017 đến nay chưa ghi nhận vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra, chủ yếu là các va quẹt nhẹ.
Theo đại diện Sở, phần lớn các nút giao trên địa bàn TP đều xảy ra các xung đột giữa ô tô rẽ phải và xe hai bánh đi thẳng vào nút giao. Tuy nhiên, ở các vị trí khoảng mở tại nút giao cầu Bình Lợi, xung đột trở nên nguy hiểm hơn. Nguyên do xe hai bánh từ phần đường hỗn hợp cầu Bình Lợi phải nhập dòng qua hai làn đường ô tô để đi thẳng lên cầu vượt quốc lộ (QL) 13 và giao cắt với ô tô từ cầu Bình Lợi rẽ phải để lưu thông xuống QL13.
Nhận thấy nguy cơ này, Sở GTVT đã giao đơn vị trực thuộc quản lý nghiên cứu phương án điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực cầu Bình Lợi.
Cụ thể Sở đã cho cải tạo kích thước hình học dải phân cách biên đường Phạm Văn Đồng nhằm tạo khoảng mở cho phép các loại xe tách nhập giữa phần đường dành cho ô tô và phần đường hỗn hợp. Đồng thời lắp đặt trụ đèn chớp vàng năng lượng mặt trời, cọc tiêu nhựa, trụ phản quang tại các đầu dải phân cách nhằm tăng cường an toàn giao thông trên tuyến.
Riêng với cầu Bình Lợi, nhịp vượt QL13 và các nhánh đường dân sinh bên hông cầu nhịp vượt QL13, đơn vị chức năng đã lắp đặt biển báo làn đường dành riêng cho từng loại xe theo hai hướng lưu thông.
Ông Hưng cũng cho biết thêm: “Hiện nay Sở đã triển khai lắp đặt hệ thống biển báo phân làn xe, biển cảnh báo đi chậm, cọc tiêu nhựa, tăng thêm chiều dài tách nhập dòng tại vị trí đầu cầu để các phương tiện nhận biết khi nhập dòng (thu ngắn bớt dải phân cách tại vị trí đầu cầu).
Tăng thêm một làn cho xe hai bánh
Để tránh tai nạn đáng tiếc tại các nút giao khu vực cầu Bình Lợi, trong thời gian tới Sở GTVT TP.HCM sẽ chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thực hiện một số giải pháp nhằm giảm xung đột các giao cắt nêu trên.
Cụ thể, xem xét lắp đặt bổ sung dải phân cách trên cầu để tăng thêm một làn cho xe hai bánh lưu thông trên cầu Bình Lợi để giảm giao cắt tại vị trí tách nhập dòng. Khi đó điều chỉnh làn đường dành cho ô tô từ bốn làn đường xuống còn ba làn đường. Hướng dẫn cho các loại xe hai bánh lưu thông lên cầu vượt QL13 lưu thông vào làn đường mới bổ sung trên cầu Bình Lợi, còn các loại xe hai bánh lưu thông về QL13 vẫn lưu thông trong làn đường hỗn hợp.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý sẽ lắp đặt bổ sung một số biện pháp cảnh báo tại khu vực như biển báo “Đi chậm”, đèn chớp vàng, cọc tiêu nhựa tại các vị trí khoảng mở nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Bình Lợi và nghiên cứu bổ sung vạch giảm tốc để hạn chế tốc độ lưu thông.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Thêm nút giao thông nguy hiểm trên đường
Mai Chí Thọ
Tại đường Mai Chí Thọ (quận 2), đoạn vừa qua Trạm thu phí Thủ Thiêm tồn tại một nút giao thông nguy hiểm. Cụ thể, người điều khiển xe máy thường chọn cách chờ đèn xanh để vượt qua hai làn ô tô, quay đầu lưu thông về phía bên kia hầm.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều ô tô khi chạy đến nút giao này thường không giảm tốc độ hoặc không dừng lại nên rất dễ gây nguy hiểm cho người đi xe máy. Nhiều người khi qua đường vội vã, chạy với tốc độ cao lại không quan sát kỹ càng nên rất dễ làm tai nạn xảy ra tại khu vực trên.