Tai nạn rình rập trẻ nhỏ ở chung cư
Vừa qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em rơi từ chung cư cao tầng xuống đất, khiến nhiều gia đình bất an. Quan sát nhiều chung cư tại TPHCM, vẫn còn những 'lỗ hổng' trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cửa sổ, ban công chưa an toàn
Trong 7 tháng qua, xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm trẻ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất thương vong, mà nguyên nhân thường là do sự thiếu cẩn trọng của gia đình, cũng như việc thiết kế xây dựng chung cư chưa đảm bảo an toàn.
Tối 18-7, trong lúc mẹ bận làm việc nhà không để ý, một bé trai 5 tuổi (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã leo lên máy giặt để ngoài ban công căn hộ (ở tầng 12) chơi, rồi không may rơi luôn xuống đất. Bé bị nhiều chấn thương gồm dập gan, dập phổi, tràn khí màng phổi phải, xuất huyết nội, gãy thân xương cánh tay phải, gãy cổ và thân xương đùi hai bên.
Trước đó, ngày 8-5, tại chung cư The Eastern (đường Liên Phường, phường Phú Hữu, quận 9), trong lúc mẹ dọn dẹp nhà, một bé trai 3 tuổi tự đi ra hành lang, bấm thang máy lên tầng 16, rồi rơi từ trên cao xuống đất tử vong. Ngày 1-1, tại block A chung cư River Gate (phường 6, quận 4), một bé gái bị rơi từ tầng 8 tử vong.
Trưa 23-12-2018, tại chung cư Thủ Thiêm Sky (phường Thảo Điền, quận 2), một bé gái 5 tuổi tử vong khi được ba mẹ đưa đến nhà ông bà tại tầng 9 chung cư. Công an phường nhận định, nhiều khả năng bé ra lô gia, leo lên máy giặt cao gần 1m chơi và ngã ra ngoài.
Chủ dự án các khu chung cư cho biết việc thiết kế, xây dựng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và thông qua, đảm bảo an toàn cho cư dân. Hiện nay, phần lớn nhà chung cư đều thiết kế theo các quy chuẩn phù hợp; lan can, ban công hầu hết đều ngang ngực người lớn. Tuy vậy, ở những khu chung cư cũ vẫn có tình trạng lan can thấp, chỉ ngang bụng người lớn.
Tại chung cư nơi bé K. rơi từ tầng 12, phần lớn các căn hộ đều có diện tích khá nhỏ, nên nhiều gia đình sống tại đây lại sử dụng ban công để bố trí máy giặt, máy lọc nước... Khu vực ban công xây dựng thiếu an toàn, bởi trẻ có thể leo trèo lên các vật dụng và rất dễ xảy ra tai nạn. Chưa kể, phần lớn cửa sổ các căn hộ tại chung cư này không có chấn song, mà nhiều gia đình lại kê giường ngủ gần cửa sổ.
Tại chung cư P.Đ. (quận 9), đa phần các hộ dân đều tự rào, bao bọc lan can của ban công, cửa sổ, nhằm ngăn trẻ nhỏ leo trèo. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng làm được như vậy. Vẫn còn khá nhiều căn hộ mà cửa sổ, ban công, lan can chưa được lắp chấn song bảo vệ. Chỉ cần giường hoặc bàn ghế kê sát cửa sổ; ban công trước nhà có ghế, chậu hay một vài đồ vật, đều dễ trở thành nguyên nhân khiến trẻ té lộn xuống đất.
Chủ động phòng tránh tai nạn
Tại chung cư Lê Thành Tân Tạo (quận Tân Bình), lan can cũng không được lắp chấn song. Ông Võ H.N., cư dân ở chung cư, cho biết, gia đình có em bé nên đã làm song sắt chấn ở lan can; tuy nhiên, ban quản lý chung cư lại yêu cầu tháo dỡ. Điều này đã khiến ông rất băn khoăn, không biết xử lý như thế nào để vừa đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế chung của chung cư mà vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ trong nhà.
Tại chung cư Thủ Thiêm Sky (quận 2), nhiều căn hộ đều có lô gia và khá nhiều vật dụng được để ngoài này. Một số cư dân cho biết, từ sau vụ có trẻ con rơi xuống đất tử vong tại chung cư, họ chú ý hơn việc giám sát các bé, cũng như những vật dụng ngoài lô gia.
Trước những nguy hiểm này ở các chung cư, ban quản lý nên thường xuyên tập huấn, nhắc nhở cư dân giám sát con em để tránh những tai nạn đau lòng. Nói về trách nhiệm của người lớn trong gia đình, anh Tấn Kiệt (đang sống tại chung cư Tân Hương, quận Tân Phú), cho rằng để đảm bảo an toàn cho trẻ ở chung cư, bên cạnh việc chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định an toàn khi xây chung cư, thì các bậc phụ huynh cần tăng cường giám sát trẻ, dù công việc bận rộn ra sao.
Anh Kiệt nói: “Cha mẹ cần nhắc nhở trẻ nhận biết nguy hiểm; không được leo trèo ngoài ban công, lan can, cầu thang, lô gia... Việc sử dụng ban công, lô gia cần được người lớn quan tâm hơn nữa. Như ở căn hộ của mình, chúng tôi phải cất hết đồ dùng có khả năng leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ để đảm bảo an toàn cho con”.
Bác sĩ Phương Ngọc, công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khuyến cáo: “Các phụ huynh phải luôn để mắt đến trẻ con trong bất cứ trường hợp nào; đặc biệt, không thể lơ là để con chơi một mình trong chung cư, vì rất dễ xảy ra sự cố. Nguyên nhân của các tai nạn phần lớn do cha mẹ, ông bà chủ quan, thiếu kiểm soát trẻ nhỏ; để trẻ vui chơi ở các khu vực nguy hiểm. Cần phải thật thận trọng, vì đã có nhiều trường hợp trẻ leo trèo xảy ra tai nạn. Người lớn cũng nên học cách sơ cứu cơ bản như cố định nẹp cổ, chân tay và biết cách di chuyển bé an toàn nếu không may lỡ xảy ra sự việc đáng tiếc”.
Chú trọng an toàn trong thiết kế xây dựng cao ốc
Hiện nay, khi thiết kế xây dựng các tòa nhà từ tầng 9 trở lên, bắt buộc phải tuân theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008/BXD. Theo đó, phần lan can ở ban công, lô gia, mái, giếng trời, các lỗ mở phải có lan can chắn với chiều cao từ 1,4m trở lên; vật liệu xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn. Cụ thể như khoảng giữa các thanh sắt không rộng quá 10cm, kính lắp đặt phải là kính chịu lực, không làm cầu nối cho trẻ dưới 5 tuổi đu, trèo qua lan can…
Tuy nhiên, thực tế ở một số chung cư, tòa nhà cao tầng, cũng có thiết kế chiều cao của ban công cao từ 1-1,4m, nhưng lại làm những thanh sắt được thiết kế ngang, khe hở giữa các thanh sắt khá rộng, nên trẻ hiếu động có thể dễ dàng leo trèo hoặc chui người qua lại.
Do vậy, các hộ có con nhỏ khi đến sống tại các chung cư cao tầng cần lưu ý gia cố thêm chốt khóa an toàn để trẻ không thể tự mở cửa ra ban công. Nên làm thêm khung bảo vệ cửa sổ, cao khoảng 1/2 khung cửa để trẻ không thể leo ra ngoài. Không kê giường, tủ, bàn, ghế cạnh cửa sổ; không để đồ ngoài ban công khiến trẻ có thể trèo lên. Tuyệt đối không để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình.
Về thiết kế, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo các thông số, yếu tố an toàn trong xây dựng, trong đó có hạng mục lan can, ban công; có giải pháp đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại các căn hộ.
TƯƠNG QUAN
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tai-nan-rinh-rap-tre-nho-o-chung-cu-609653.html