Tai nạn tàu hỏa khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Ấn Độ, nguyên nhân ban đầu là gì?
Một vụ tai nạn tàu hỏa kinh hoàng vừa xảy ra ở thành phố Balasore (bang Odisha, Ấn Độ), số người thiệt mạng hiện đã lên đến 280 và hơn 900 người khác bị thương. Đây được gọi là một trong những tai nạn đường sắt thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại. Sự việc cụ thể thế nào và nguyên nhân ban đầu có thể là gì?
Theo cập nhật mới nhất của trang India Today (Ấn Độ hôm nay), ít nhất 280 người đã thiệt mạng và hơn 900 người bị thương trong vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào tối thứ Sáu (2/6) ở gần nhà ga Bahanaga. Trang CNN viết, đây là vụ va chạm giữa 2 tàu chở khách và một tàu chở hàng.
Số người thiệt mạng được cho là sẽ còn tăng trong khi các đội cứu hộ đang cố thực hiện nhiệm vụ, tìm kiếm các nạn nhân trong các toa tàu hư hỏng. Các đội cứu hộ sợ rằng còn khoảng 200 hành khách đang mắc kẹt, theo trang Sky News. Ấn Độ rất nỗ lực cứu nạn với 115 xe cấp cứu và nhiều đơn vị cứu hỏa có mặt ở hiện trường. Rất nhiều người đã lập tức hiến máu để giúp đỡ các nạn nhân. Tất cả các bệnh viện ở Balasore đang được đặt vào tình trạng báo động mức cao.
Lý do thực sự của vụ tai nạn này vẫn chưa được xác định, theo trang News18 của Ấn Độ, vì hiện nay ai cũng tập trung vào công tác cứu nạn. Nhưng trang CNN cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn chết chóc này là một tàu chở khách đâm vào các toa của một tàu chở khách khác vốn đã trật bánh từ trước đó và đã lao sang đường ray đối diện (mà chưa được dọn đi ngay). Thế là cả hai đoàn tàu đều trật đường ray. Kênh tin tức The Press Trust của Ấn Độ viết rằng một đoàn tàu thứ ba - là tàu chở hàng - cũng liên quan đến vụ tai nạn này nhưng các nhà chức trách chưa xác nhận cụ thể.
CNN viết rằng hệ thống đường sắt cũ kỹ có thể là yếu tố góp phần gây tai nạn.
Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn tối qua đã vượt qua một vụ tai nạn kinh hoàng khác vào năm 2016 - cũng được coi là một trong những vụ tồi tệ nhất trong những năm gần đây - khi hơn 140 người thiệt mạng do tàu trật bánh ở bang Uttar Pradesh.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin