Tai nạn thương tâm dưới đường dây điện

Thả diều, câu cá là những thú chơi phổ biến, nhất là vào dịp hè. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm chơi an toàn lại ít được mọi người chú ý dẫn tới những vụ tai nạn điện thương tâm.

Điện lực Ninh Giang phối hợp với chính quyền địa phương thu giữ nhiều diều vi phạm

Điện lực Ninh Giang phối hợp với chính quyền địa phương thu giữ nhiều diều vi phạm

Những vụ tai nạn điện vừa gây thương vong, vừa gây thiệt hại cho hệ thống lưới điện.

Thú vui nguy hiểm

Dù may mắn giữ lại được tính mạng nhưng anh V. ở thôn Vạn Tải Đông, xã Hồng Phong (Nam Sách) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ tai nạn điện từ sở thích đi câu cá của mình. Dù đã 2 tháng trôi qua, trên cánh tay anh V. vẫn còn chằng chịt những vết bỏng đầy đau đớn. Vốn là sở thích nên lúc rảnh rỗi anh V. thường tới các ao, mé sông gần nhà để câu cá. Một ngày tháng 4.2023, vì muốn đổi không gian câu với hy vọng có nhiều cá hơn nên anh V. và bạn đến điểm câu mới gần khu vực nghĩa trang của xã, ngay dưới đường dây điện trung thế. Vừa tung cần câu, anh V. đã vô tình chạm vào đường dây khiến điện phóng ra gây bỏng nặng. “Tôi đã không ý thức được sự nguy hiểm khi đi câu cá dưới đường điện. May mắn giữ được tính mạng nhưng việc điều trị lại rất tốn kém, tổn hại sức khỏe, tinh thần”, anh V. buồn rầu kể.

Trước đó, vào cuối tháng 10.2022, anh D. ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) đến hồ câu sinh thái Phượng Hoàng thuộc khu dân cư Phượng Hoàng Hạ (thị trấn Thanh Miện) để câu cá. Trong lúc câu, anh D. không may để cần quá gần đường dây điện cao thế nên đã bị điện phóng trúng người khiến anh rơi xuống hồ. Mặc dù được cấp cứu nhưng anh D. đã tử vong. Tại khu vực xảy ra tai nạn, Điện lực Thanh Miện đã gắn biển cảnh báo trên đường dây và thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân sản xuất, sinh hoạt dưới đường dây cao thế chú ý phòng tránh tai nạn…

Sự cố điện

Thú chơi thả diều từ nhiều năm nay cũng đã trở thành mối de dọa đến sự an toàn hệ thống lưới điện. Huyện Kim Thành là một trong những địa phương có số sự cố lưới điện do người dân thả diều gây ra nhiều nhất tỉnh. Nhiều người mang những chiếc diều to thả ở khu vực bãi đê hoặc bãi đất trống. Điều đáng nói là những chủ diều này thường chỉ chờ đến khi diều lên cao rồi buộc diều lại và... đi về nhà. Khi không may diều đứt dây bay vô định sẽ mắc vào đường dây điện, gây sự cố.

Gần đây nhất vào khoảng cuối tháng 4 vừa qua, người dân thả diều gần đường dây điện thuộc địa bàn khu dân cư An Thái, thị trấn Phú Thái làm rơi diều vào đường dây 35kV lộ 373E8.22 gây mất điện diện rộng đối với các trạm biến áp cung cấp điện cho Huyện ủy, UBND huyện Kim Thành, Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện và toàn bộ khu công nghiệp Phú Thái với trên 5.000 khách hàng. Sự cố đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng trên địa bàn. Do diều bay tự do rơi vào đường dây nên Điện lực Kim Thành không thể tìm được chủ diều để đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp răn đe, xử lý…

Theo báo cáo của Điện lực Kim Thành, trong năm 2022, toàn huyện xảy ra 8 sự cố lưới điện có nguyên nhân từ diều, nhưng chỉ có 1 vụ duy nhất tìm được chủ diều. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Điện lực Kim Thành ghi nhận 3 sự cố lưới điện do diều. “Điện lực Kim Thành đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân không thả diều gần đường dây điện cao thế. Đơn vị tăng cường tham mưu cho UBND huyện có biện pháp cụ thể trong xử lý vi phạm hành lang lưới điện; chủ động ký kết chương trình phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn cùng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ hành lang lưới điện… Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng thả diều gây thiệt hại cho điện lực và khách hàng”, ông Trần Phương Nam, Phó Giám đốc Điện lực Kim Thành nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, có khoảng 30-40% sự cố trên hệ thống lưới điện do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương quản lý xuất phát từ việc người dân thả diều và có khoảng 1-2 vụ tai nạn điện trong dân do thú chơi câu cá… Chưa biết các thú vui này mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, nhưng hậu quả của nó đã thực sự ảnh hưởng đến rất nhiều người. Diều bay vào đường dây gây sự cố mất điện cả một vùng, thậm chí đường dây cấp điện cho các cơ quan chính quyền hay các khu, cụm công nghiệp phải dừng hoạt động đột ngột. Việc bố trí nhân lực, phương tiện tìm kiếm và khắc phục điểm bị sự cố cũng gây mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí.

Để quản lý chặt chẽ, hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được sự nguy hiểm khi vui chơi dưới đường điện. Đồng thời, cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau để hạn chế các tai nạn do điện gây ra.

HOA HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/tai-nan-thuong-tam-duoi-duong-day-dien-236996