Tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Trách nhiệm pháp lý các bên ra sao?

Những tài xế điều khiển xe trong vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi dừng đỗ không đúng quy định, không chú ý quan sát giữ khoảng cách an toàn...

Như PLO đã đưa tin, sáng ngày 11-7 tại Km49+500, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến hai người chết và nhiều người bị thương nặng.

Theo đó, xe bán tải do tài xế Đặng Quốc Hoàng (quê Hà Tĩnh) điều khiển, trên xe chở các anh Trịnh Tuấn Anh và Lê Ngọc Hùng (ở Nghệ An), khi đang lưu thông theo hướng Hà Nội về Hải Phòng thì phanh gấp.

Xe khách 16 chỗ do tài xế Quách Văn Lâm (ở Hòa Bình) điều khiển đi phía sau đã đâm vào đuôi xe bán tải. Sau va chạm, tài xế Quách Văn Lâm xuống xe tranh luận với người trên xe bán tải gồm anh Trịnh Tuấn Anh và Lê Ngọc Hùng.

Đúng lúc này, ô tô 7 chỗ do tài xế Trần Ngọc Thế (ở Thái Bình) không kiểm soát được tốc độ đã đâm vào xe khách, khiến anh Trịnh Tuấn Anh và Quách Văn Lâm tử vong tại chỗ. Tài xế Trần Ngọc Thế bị thương nặng, mắc kẹt trong cabin. Những người khác ngồi trong hai xe bị đâm chịu một số thương tích.

Tại hiện trường, 3 phương tiện hư hỏng nặng. Qua kiểm tra, CSGT xác định tài xế xe bán tải không vi phạm về nồng độ cồn và ma túy.

 Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: PLO

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: PLO

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Hùng Quân, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết để xác định được người nào chịu trách nhiệm trong vụ này thì cần phải xác định yếu tố lỗi của các bên. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên sau khi có kết luận điều tra, căn cứ vào mức độ lỗi của từng người cơ quan điều tra sẽ xác định trách nhiệm tương xứng.

Căn cứ vào kết quả xác minh bước đầu và clip ghi lại diễn biến của vụ tai nạn có thể thấy hành vi dừng, đỗ trên làn đường cho phép chạy 120km/giờ trên cao tốc của tài xế 16 chỗ và tài xế xe bán tải là rất nguy hiểm và vi phạm luật giao thông đường bộ.

Cụ thể, khoản 3 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định khi lưu thông trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Do vậy, trong trường hợp này cần xác định việc va chạm nhẹ giữa hai xe 16 chỗ và xe bán tải có khiến hai xe không thể di chuyển được nữa hay không. Nếu hai xe không di chuyển vào vị trí an toàn được thì hai tài xế cần phải thực hiện các biện pháp để cảnh báo cho các xe lưu thông phía sau như bật đèn cảnh báo, đặt biển cảnh báo...

Việc dừng, đỗ xe trái quy định trên cao tốc có lỗi của hai tài xế 16 chỗ và xe bán tải là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì hai người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hậu quả bước đầu làm hai người chết là tình tiết định khung hình phạt tại khoản 2 của tội này với mức phạt từ 3-10 năm tù.

Do trong vụ tai nạn có tài xế đã chết nên những tài xế còn sống sau khi có kết luận điều tra xác định mức độ lỗi thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng.

Về trách nhiệm của tài xế xe 7 chỗ thì cơ quan công an cần làm rõ hành vi điều khiển thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc của người này.

Điều 11 Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT đã quy định rõ trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: Nếu vận tốc bằng 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m; Nếu vận tốc trên 60 - 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m; Nếu vận tốc từ trên 80 - 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m; Nếu vận tốc từ trên 100 - 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.

Do vậy mà trong trường hợp này cần xác định tài xế xe 7 chỗ điều khiển phương tiện có giữ khoảng cách an toàn hay không, có đúng tốc độ cho phép. Trường hợp có căn cứ để xác định tài xế xe 7 chỗ đã thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước thì có thể sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.

Nói tóm lại, trong vụ việc này cần xem xét đến hai nhóm hành vi: Thứ nhất là hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định trên cao tốc hoặc không đảm bảo các biện pháp an toàn khi dừng, đỗ của tài xế xe 16 chỗ và xe bán tải. Thứ hai là hành vi điều khiển phương tiện có chú ý quan sát, giữ khoảng cách an toàn của tài xế xe 7 chỗ ra sao.

Việc xác định mức độ lỗi của từng tài xế là căn cứ để xác định trách nhiệm mà những người này phải đối diện. Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-nan-tren-cao-toc-ha-noi-hai-phong-trach-nhiem-phap-ly-cac-ben-ra-sao-post800137.html