Tai nạn trên cầu Phú Mỹ, hỏi trách nhiệm tài xế xe tải?

Hiện vụ 8 ô tô đâm liên hoàn trên cầu Phú Mỹ, TP HCM đang gây xôn xao dư luận. Nhiều độc giả đặt đặt câu hỏi về trách nhiệm của tài xế xe tải?

Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn giữa 8 ô tô trên cầu Phú Mỹ (TP Thủ Đức, TP HCM) khiến 3 ô tô bị cháy xảy ra chiều 8/8, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do xe tải do tài xế Dũng (37 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) điều khiển. Đây là loại xe tải đông lạnh 14,4 tấn, biển số 68H.00068, chở thức ăn cho tôm hùm gồm các loại hải sản nhỏ từ Rạch Giá, Kiên Giang tới Cam Ranh, Khánh Hòa. Khi xe di chuyển đến cầu Phú Mỹ thì mất kiểm soát về hệ thống phanh nên gây ra tai nạn liên hoàn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Rất may mắn là vụ tai nạn giao thông này chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên đã có một số tài xế gặp tình huống nguy hiểm, may mắn có người cứu giúp nên đã bảo toàn tính mạng.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xác định hậu quả thiệt hại đã gây ra về sức khỏe, tài sản của trong vụ tai nạn này để xem xét giải quyết trách nhiệm pháp lý giữa các bên theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định phương tiện, khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết để lại, trích xuất dữ liệu camera, lấy lời khai của người làm chứng và thực hiện các thủ tục để xác định chiếc xe này mất kiểm soát về tốc độ có phải do phanh hay do có lỗi của người điều khiển phương tiện để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển chiếc xe ô tô tải này có giấy phép lái xe phù hợp, không vi phạm nồng độ cồn, không sử dụng chất cấm, quá trình điều khiển phương tiện đã thực hiện đúng các thao tác kĩ thuật, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tai nạn xảy ra do không thể kiểm soát được phương tiện là do lỗi kĩ thuật ở hệ thống phanh mà không có lỗi của người điều khiển phương tiện thì tài xế này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra cơ quan chức năng cũng không phát hiện được lỗi của 07 người điều khiển phương tiện giao thông còn lại trong vụ tai nạn . Về nguyên tắc, các xe phải kiểm soát được tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với các phương tiện phía trước, nếu vụ tai nạn xuất phát từ phương tiện đi phía sau đùn đẩy các xe phía trước va vào nhau thì người điều khiển những xe phía trước không có lỗi. Trường hợp tất cả những người tham gia giao thông, những người điều khiển các xe ô tô này đều không có lỗi thì không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi đó vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì sẽ khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Trong trường hợp này, các phương tiện bị hư hỏng do chiếc xe ô tô tải gây ra đều có quyền yêu cầu chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chiếc xe này là của pháp nhân, người điều khiển phương tiện là người làm thuê, làm công ăn lương thì doanh nghiệp quản lý phương tiện này có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân. Theo quy định của pháp luật, bồi thường thiệt hại do người làm công, học nghề gây ra sẽ tuân theo nguyên tắc là người sử dụng lao động phải bồi thường trước, sau đó có thể yêu cầu người làm công bồi hoàn lại nếu người làm công có lỗi.

Theo luật sư Cường, trong vụ việc này các nạn nhân cần phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Nếu kết quả xác minh cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn là do người điều khiển chiếc xe ô tô tải hoặc kể cả trường hợp người lái xe tải không có lỗi, nhưng thiệt hại do chiếc xe ô tô đó gây ra thì đơn vị quản lý chiếc xe này và người lái xe phải có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại. Thiệt hại sẽ bao gồm thiệt hại về sức khỏe và tài sản. Trong đó thiệt hại về sức khỏe sẽ bao gồm chi phí cứu chữa đối với những người đó, thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và thiệt hại tổn thất về tinh thần. Đối với những thiệt hại về tài sản sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên cơ sở thực tế đã xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, phương thức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể để nghỉ tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng .

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ những chiếc xe này có được thực hiện thủ tục đăng kiểm theo đúng quy định hay không, còn thời hạn đăng kiểm hay không, đủ điều kiện tham gia giao thông hay không. Trong trường hợp không đủ điều kiện tham gia giao thông hoặc người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện điều khiển, nhưng vẫn được phân công, điều động người và phương tiện tham gia giao thông thì người phân công điều động này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xem thêm video: Đồng Tháp: Xe máy bốc cháy sau va chạm, 2 người thương vong

Nguồn: ĐHTĐT.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tai-nan-tren-cau-phu-my-hoi-trach-nhiem-tai-xe-xe-tai-2019862.html