Tai nạn trên đường đi làm có được coi là tai nạn lao động?
Ông Bùi Đức Hùng (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thắc mắc, người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc trên đường đi làm về nhà thì có được xem là tai nạn lao động hay không? Mức trợ cấp tai nạn lao động trong trường hợp này cụ thể ra sao?
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) giải thích, theo Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội, có 3 trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động gồm: người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Tuy nhiên, tùy mỗi trường hợp bị tai nạn mà người lao động được hưởng các chế độ khác nhau.
Chẳng hạn, đối với trường hợp người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc thì công ty phải có nghĩa vụ lo toàn bộ tiền thuốc men, viện phí, chi phí y tế và tiền lương từ khi xảy ra tai nạn lao động đến khi điều trị ổn định thương tật.
Còn đối với trường hợp người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại cũng được coi là tai nạn lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phía công ty chỉ có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động và giới thiệu người lao động đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để được tính bảo hiểm xã hội.
Sau khi chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động, công ty chuyển hồ sơ qua cơ quan bảo hiểm xã hội để nơi đây làm thủ tục cho người lao động hưởng tiền trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Cụ thể, trợ cấp 1 lần nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 31% và trợ cấp hằng tháng nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Thành An (ghi)