Tai nạn vì chủ quan

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hàng năm, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực ASEAN và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao, trong đó, số vụ đuối nước thường tăng mạnh trong dịp hè. Năm nay, do kết thúc năm học muộn (dự kiến vào ngày 15-7) nên nỗi lo đuối nước ở trẻ em tạm thời lắng xuống.

Khu vực sông Ba thuộc địa phận xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - nơi nam thanh niên bị đuối nước tử vong. Ảnh: Văn Ngọc

Khu vực sông Ba thuộc địa phận xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - nơi nam thanh niên bị đuối nước tử vong. Ảnh: Văn Ngọc

Tuy nhiên, thay vào nỗi lo cho trẻ em là những hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở người lớn. Theo thông tin từ Báo Gia Lai, liên tiếp trong 2 ngày 9 và 10-5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tử vong do đuối nước. Trong đó, 1 vụ xảy ra tại làng Brang (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) và 1 vụ tại khu vực cầu Phú Cần (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa). Đáng chú ý, nạn nhân là những nam thanh niên sức dài vai rộng và việc đuối nước xuất phát từ thói quen tắm sông suối. Chưa rõ là những nam thanh niên này có biết bơi hay không, nhưng rõ ràng, việc không sử dụng phao cứu sinh trong lúc bơi lội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn.

Trước đó, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 30-4, anh Bùi Hoàng Việt (SN 1990, trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku) điều khiển chiếc mô tô nước ra giữa hồ 707 (thuộc thôn 2, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) rồi bị rơi xuống nước dẫn đến tử vong. Cách đó không lâu, sáng 29-3, một nhóm thanh niên gồm: Mai Văn Tín (SN 1999), Trần Cao Cường (SN 1995) và Đặng Phú Lộc (SN 1990, cùng trú tại TP. Pleiku) chèo thuyền ra giữa hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak. Sau đó, con thuyền bất ngờ lật úp khiến cả 3 rơi xuống nước và tử vong.

Phân tích các vụ đuối nước nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do sự chủ quan của chính nạn nhân. Trước hết, tất cả các trường hợp đuối nước đều không trang bị phao cứu sinh hoặc áo phao khi hoạt động trong môi trường nước. Bên cạnh đó, hầu hết nạn nhân đều thiếu kỹ năng bơi lội và phòng tránh tai nạn đuối nước. Đặc biệt, trước khi bị nạn, hầu hết nạn nhân đều chưa ý thức một cách đầy đủ về nguy cơ đuối nước và hậu quả của nó.

Hàng chục trường hợp người lớn bị tử vong do đuối nước tính từ đầu năm đến nay là con số bất thường. Đặc biệt, hầu hết các vụ tai nạn đều không xuất phát từ thiên tai, lũ lụt, mà từ hoạt động có chủ đích như: du lịch, tắm… Trên thực tế, không ít người chưa lường hết các nguy cơ dẫn tới tai nạn đuối nước. Qua quan sát tại các điểm du lịch sông, hồ, thác nước, chúng ta dễ dàng nhận thấy, người đứng ra làm dịch vụ chưa chú trọng trang bị các dụng cụ cứu sinh. Nếu có trang bị áo phao hoặc phao cứu sinh thì hầu như khách cũng không dùng đến vì nhiều lý do, trong đó có tâm lý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

“Nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc” là câu thành ngữ đề cập các loại hiểm họa đối với con người. Trong số đó, nước được cho là yếu tố nguy hiểm nhất. Đuối nước là tai họa ập đến rất nhanh và thời gian tử vong cũng nhanh nhất. Vì vậy, mọi người cần đặc biệt cân nhắc trước khi tiếp xúc với môi trường nước. Nếu tham gia các hoạt động gắn với môi trường nước thì phải có kỹ năng bơi lội và trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu sinh cần thiết. Về lâu dài, mọi người nên rèn luyện kỹ năng bơi lội và khuyến khích con em mình tham gia các lớp học kỹ năng bơi lội. Bởi lẽ, hiện nay, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn đang rình rập, nhất là thời điểm học sinh nghỉ hè.

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202005/tai-nan-vi-chu-quan-5682253/