Tài năng nghệ thuật: Nỗi lo 'già hóa'
Năm 2023, nhiều cuộc thi tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như tuồng, dân ca kịch, chèo, múa rối, múa và kịch nói đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các hội chuyên ngành tổ chức. Thế nhưng, sau khoảnh khắc thăng hoa, những tài năng nghệ thuật ấy sẽ tiếp tục cống hiến như thế nào, đó là một câu hỏi lớn khi các ngành nghệ thuật biểu diễn đang rơi vào tình trạng 'già hóa' và thiếu vắng tài năng.
Tài năng trẻ đi về đâu?
Trong khoảng 22 năm vừa qua, các Cuộc thi tài năng nghệ thuật đã đi vào định kỳ 3 năm một lần và luân phiên đối với tất cả các loại hình từ lĩnh vực sân khấu với tài năng kịch, chèo, tuồng, cải lương, rối, xiếc.... đến các Cuộc thi tài năng trong lĩnh vực ca múa nhạc như múa, độc tấu, hòa tấu…
Mới đây, 3 cuộc thi chuyên nghiệp: Thi Tài năng Múa rối toàn quốc năm 2022, Tài năng Múa và Tài năng diễn viên Kịch nói toàn quốc năm 2023 đã trao giải cho nhiều nghệ sĩ trẻ, với nhiều giải nhất, nhì như 5 nghệ sĩ đoạt giải Nhất, 17 nghệ sĩ đoạt giải Nhì lĩnh vực múa, 2 nghệ sĩ đoạt giải Nhất và 5 nghệ sĩ đoạt giải Nhì tài năng múa rối...
Việc duy trì các cuộc thi là cách tạo mọi điều kiện để phát hiện tài năng và cơ hội để họ tỏa sáng. Với các nghệ sĩ trẻ, tham gia và giành huy chương trong các cuộc thi cũng là một dấu ấn để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, theo biên đạo múa Tuyết Minh: "Huy chương đó quan trọng đối với cả người đạt và những người không đạt, bởi nếu nó thể hiện đúng giá trị thì sẽ có ý nghĩa cổ vũ, động viên rất lớn, còn nếu vì bất kỳ điều gì khiến kết quả bị tác động thì nó lại làm cho giấc mơ đầu đời của người đam mê trở thành nghệ sĩ có những rạn vỡ đáng kể, mà nếu những người không đủ bản lĩnh sẽ rẽ sang hướng khác thay vì tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình". Chị cũng cho rằng, có thể do tính chất định kỳ đôi khi trở thành "đến hẹn lại lên" và thiếu sự tổng kết sâu sắc từ thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nên các cuộc thi hiện nay cần có sự vận động, thay đổi.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, dù các cuộc thi hàng năm đều có giải và huy chương trao cho các nghệ sĩ nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với một thực trạng là tài năng nghệ thuật đang bị "già hóa". "Thầy già, con hát trẻ" vốn là đặc thù của nghệ thuật truyền thống Việt Nam nhưng hiện nay tre đã già nhưng măng chưa mọc, chỉ trong một thời gian nữa sẽ có nguy cơ đứt nguồn.
"Việc sáp nhập các nhà hát là một vấn đề khiến đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp bị mai một dần, nhiều tài năng ra trường không có chỗ làm nghề do hạn chế về biên chế, hợp đồng của các nhà hát. Họ không có quỹ lương để thu hút người trẻ, vì thế buộc phải chấp nhận mất đi thế hệ kế cận. Muốn phát triển văn hóa phải đi từ con người", bà khẳng định.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng cho rằng, bài toán khó và nan giải hiện nay của nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, những nghệ sĩ tài năng đảm đương những vai chính để tạo hồn cốt cho chương trình, vở diễn. Rõ ràng, đây là một khoảng trống của nghệ thuật biểu diễn".
Rõ ràng, các cuộc thi tài năng hàng năm đều có huy chương vàng, huy chương bạc, thậm chí có những cuộc thi mưa huy chương. Nhưng thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lại thiếu vắng tài năng trẻ. Nguyên nhân vì sao? Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng, từ thực tiễn làm nghề của chị, không phải chỉ qua các cuộc thi chúng ta mới phát hiện được tài năng mà hiện nay, có những nghệ sĩ không mặn mà với các cuộc thi. Ngược lại, có tình trạng nghệ sĩ đạt huy chương nhưng không đủ tài năng.
Chị nói: "Tôi đã từng làm việc với rất nhiều bạn trẻ tài năng thực thụ nhưng họ cũng không mặn mà tham gia các cuộc thi mà họ biết là họ sẽ khó đoạt giải. Thực tế, đã có nhiều bạn đoạt huy chương trong các cuộc thi tài năng rồi sau đó không còn thấy tên trong các vở diễn, hoặc xuất hiện với vai trò solist (vai chính), hay có những dự án nghệ thuật riêng… Nhiều bạn, ngay sau cuộc thi không khán giả nào biết đến tên của họ, gương mặt của họ và tác phẩm họ biểu diễn, ngoài những người trong nghề. Đó là câu hỏi cho chính những tài năng trẻ và ban tổ chức, nhà quản lý. Trả lời được những câu hỏi đó thì chúng ta sẽ có được những cuộc thi danh giá và những tài năng thực thụ".
Thiếu chính sách đãi ngộ
Biên đạo múa Tuyết Minh cũng khẳng định, nhân tài thời nào cũng có, không chỉ từ các cuộc thi. Vấn đề là làm sao để thu hút tài năng cho nghệ thuật biểu diễn, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, điều quan trọng là chính sách đãi ngộ nhân tài của nhà nước để các nghệ sĩ yên tâm làm nghề và theo đuổi đam mê. Các cuộc thi tài năng đã giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ mới có tài, nhưng để duy trì niềm đam mê, nhiệt huyết của họ rất cần những chính sách hỗ trợ của nhà nước.
NSND Trịnh Thúy Mùi khẳng định: "Ngành sân khấu rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của Nhà nước, cần những cơ chế đặc thù cho nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo đời sống và giảm bớt khó khăn cho nghệ sĩ. Bà cho rằng, ngành sân khấu nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung cần những cơ chế, chính sách đặc thù chứ không áp chung cho tất cả công chức nhà nước. Đặc biệt, với những tài năng hé lộ, phát hiện từ các cuộc thi hay từ đời sống, chúng ta nên có chính sách phát triển, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, thậm chí gửi họ đi nước ngoài đào tạo, tạo điều kiện tối đa để họ có thể làm nghề, cống hiến, tạo ra những sáng tạo độc đáo".
Bà nhấn mạnh, ở lĩnh vực sân khấu truyền thống đang dần mai một, cần sự xả thân và truyền lửa của thế hệ đi trước cho tầng lớp kế cận và những chính sách bảo tồn, phát triển tài năng thiết thực thay vì các dự án, hô hào. Lĩnh vực này bị già hóa và cơ nguy cơ biến mất nếu không có những chính sách kịp thời từ phía nhà nước.
Biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định, có lẽ bài toán đầu tiên từ chính các nghệ sĩ, nếu họ thực sự có tài năng và tình yêu nghề, họ sẽ có cách để tồn tại và nuôi dưỡng tình yêu đó. Chị khẳng định, nhiều nghệ sĩ sống được bằng nghề, nhiều nghệ sĩ thấy hạnh phúc khi được làm nghề, điều này tỷ lệ thuận và công bằng với đúng tài năng, chất xám, sức lao động và lòng nhiệt huyết, cống hiến của họ với loại hình nghệ thuật mà họ đang theo đuổi và gây dựng.
Chị cho rằng, tài năng chỉ là điểm đầu khởi phát, các nghệ sĩ phải trải qua quá trình tự rèn luyện, tiếp tục học hỏi, trưởng thành, tạo ra giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa cống hiến cho cộng đồng qua tài nghệ của mình, lúc đấy mới được gọi là Người Tài. Tất nhiên, điều quan trọng mà chị và những người tâm huyết với nghề cần, đó là chính sách đãi ngộ và phát triển từ cơ quan quản lý nhà nước. Các tài năng bước ra từ một cuộc thi sẽ đi về đâu, cống hiến như thế nào, có lộ trình được đào tạo chuyên sâu hơn, nâng cao hơn hay không? Đối với những tài năng đang hoạt động trong các đơn vị công lập nếu đạt huy chương trở về đơn vị có được nâng lương, vào biên chế, được đảm nhận các vai chính trong các vở diễn lớn như thế nào.
"Đây là những vấn đề mấu chốt để chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài và bền bỉ cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, sát sao và quan tâm, cùng ngồi lại với các đơn vị nghệ thuật để tìm ra giải pháp rồi kiến nghị với Bộ chủ quản thì bài toán về tìm kiếm tài năng và trọng dụng người tài trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được giải mã trong một tương lai không xa", chị khẳng định.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tai-nang-nghe-thuat-noi-lo-gia-hoa-i713379/