Tài năng thiên bẩm và sự thật thà, vụng về đáng yêu
Đó là Thái Cơ (1934 - 2004), một trường hợp khá độc đáo trong làng nhạc sĩ Việt Nam. Tôi hân hạnh được chơi với ông từ lúc còn là sinh viên tới khi ông qua đời, tức cũng có tới gần 40 năm. Ông hơn tôi 1 giáp nhưng quan hệ bình đẳng, luôn xưng hô 'San, mình' chứ không 'anh, em'. Nhiều khi còn 'ông, tôi' cứ như ngang hàng.
Nói đến Thái Cơ, công chúng ở lớp tuổi trên 60 không xa lạ bởi ông là tác giả những ca khúc nổi tiếng ở thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước: "Rặng trâm bầu", "Khi thành phố lên đèn", "Qua bến Đò Quan", "Nghe tiếng trống quê hương", "Nón trắng trên đồng", "Thư ra tiền tuyến", "Trên sông nước anh hùng"... Ca khúc của ông có bản sắc độc đáo riêng khiến ai nghe cũng khó quên bởi thấm đẫm chất liệu dân gian, giai điệu luôn ngọt ngào, đậm đà phong vị đồng quê.
Trong sáng tạo giai điệu, ông thường sử dụng nhiều nốt luyến láy quen thuộc của dân ca Việt Nam nhưng có sáng tạo, mới mẻ chứ không lặp lại nguyên xi. Một thời kỳ dài, những bài hát kể trên của Thái Cơ luôn được vang lên trong các hội diễn, liên hoan văn nghệ cả chuyên lẫn không chuyên nghiệp.
Ít ai có thể nghĩ người nhạc sĩ có những bài hát rất quen biết như Thái Cơ lại chưa hề học qua một trường lớp âm nhạc nào, thậm chí là dự một khóa bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác ca khúc. Nhiều nhạc sĩ lớn, nổi tiếng ở nước ta không học ở trường nhạc chính quy ra cũng là chuyện bình thường. Nhưng hoàn toàn không học, thậm chí là không thạo lý thuyết âm nhạc, không thạo ghi âm như Thái Cơ thì tôi chưa thấy ai.
Nhiều bài ông đã hoàn tất mà chưa ghi ra giấy chỉ vì lúng túng, không biết ghi như thế nào. Nhiều khi ông ghi một đằng nhưng lại hát một nẻo. Tôi nghe ông hát thấy hay hơn ghi trong văn bản nên đã sửa lại đúng như ông hát. Và những lần như thế, ông đã rất thật thà nói rằng: "Tớ sáng tác không vất vả bằng ghi âm. Có khi sáng tác xong một bài chỉ mất chừng 1-2 giờ mà ghi cả buổi mới được, nhất là tiết tấu. Còn giai điệu thì phải dựa vào đàn".
Nghe ca khúc của Thái Cơ, ta thấy ông viết rất chuyên nghiệp, rất hiệu quả, thể hiện một bút pháp cao cường. Nhưng để ý cái cách ông sáng tác rồi ghi âm thì lại rất... nghiệp dư. Ông lẩm nhẩm giai điệu rồi lấy đàn guitar dò dẫm và lần theo phím đàn mà nhìn ra nốt nhạc để ghi ra giấy. Còn tiết tấu thì khi ông đập chân xuống đất, khi đập tay lên bàn mà mò ra âm hình các nốt, xong, gò vào các loại nhịp cho thích hợp. (Sáng tác nhạc chuyên nghiệp không làm vậy, cứ nghĩ trong đầu rồi ghi ra, không phải mò theo đàn). Vậy nên Thái Cơ không thể sáng tác như nhiều nhạc sĩ khác khi ở trên tàu, xe, đi trên đường mà phải trong phòng, có đàn.
Bản thân tôi rất phục Thái Cơ khi ông luôn nghĩ ra được những giai điệu thật độc đáo, có hồn, gợi cảm, bắt tai người nghe. Những bài hát nổi tiếng vừa nhắc ở trên là như vậy. Với con mắt nghề nghiệp dễ phát hiện ở ông sự nhầm lẫn khi sử dụng chất liệu dân ca để tạo nên giai điệu. Nhưng ông không để ý. Tuy nhiên, nghe thấy rất hiệu quả.
Một lần, tôi nói với ông rằng bài "Qua bến Đò Quan" rất hay, nghe thấy rõ hình tượng sông nước mênh mang nhưng anh có biết đã sử dụng chất liệu gì không? Ông nói không để ý, chỉ biết nghĩ ra như thế, thấy ổn là phát triển chủ đề thành bài hoàn chỉnh. Tôi chỉ rõ ông đã khai thác điệu "Hò mài dừa" là một làn điệu dân ca quen thuộc ở Bình Định và khu vực Nam Trung bộ. Ông nói: "Chết! chết! Thế à! Tớ không để ý. Viết về bến Đò Quan ở Nam Định mà như vậy, người sành nghe sẽ phát hiện ra thì cười chết". Tôi nói với ông không sao, miễn bài hay là được. Minh chứng là công chúng rất thích bài này.
Tôi dẫn thêm trường hợp bài "Làng quan họ quê tôi" của Nguyễn Trọng Tạo cũng tương tự. Toàn bộ bài này, tác giả khai thác chất liệu dân ca quan họ vùng Kinh Bắc. Bỗng đến cuối bài, xuất hiện một đường nét dân ca Nam bộ ở câu: "Ấy quan họ về là về trao duyên". Cũng đâu có sao, vì bài hát quá hay, ai nghe cũng thích. Công chúng cũng đâu có để ý đến điều này.
Thái Cơ còn có trí tưởng tượng thật phong phú. Lúc viết bài "Rặng trâm bầu", ông chưa từng đặt chân đến Nam bộ. Khi ấy ở Việt Nam cũng chưa có Internet để mở Google xem loại cây này có hình thù ra sao. Vậy mà ông đã viết thật hay: "Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu, bát ngát xa trông những rặng trâm bầu. Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu. Uống nước, nước dòng sông, cây xanh thắm một màu...". Ông nói viết như vậy là do nghe những người quê Nam bộ tập kết ra Bắc kể lại. Cũng như vậy, lúc viết bài "Qua bến Đò Quan", ông cũng chưa từng đặt chân đến nơi đây mặc dù cách quê ông không xa: "...Bến nước quê ta ai xa mà chẳng nhớ, nhớ tiếng còi tầm âm vang trong lòng người thợ...".
Sáng tác nghệ thuật là một công việc kỳ diệu, nhiều khi rất khó cắt nghĩa. Hai bài trên Thái Cơ viết khi chưa đến tận nơi, chưa mục sở thị đối tượng đề cập. Trong khi đó, ông từng viết nhiều bài về Tiền Hải (Thái Bình) là quê ông nhưng chỉ có bài "Nghe tiếng trống quê hương" thành công, có sức lan tỏa rộng: "Sẽ đưa em về thăm quê anh nơi Tiền Hải, nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa, nghe tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ".
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, từng nhiều năm biên tập ca khúc để xuất bản ở Nhà xuất bản Âm nhạc rồi làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhưng Thái Cơ luôn coi mình là người sáng tác nghiệp dư. Sinh năm 1934 ở Thái Bình với tên khai sinh là Đầu Vũ Như (mà nhiều người vẫn nhầm họ ông là Đậu). Do yêu thích văn nghệ mà ông sớm nhập ngũ để làm công tác văn nghệ ở Trung đoàn 55 tại Quân khu 4.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Thái Cơ là diễn viên hát ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Nhưng tự thấy giọng hát không phát triển, ông chủ động xin chuyển về làm công tác văn nghệ quần chúng ở Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống. Tại đây, lần đầu tiên ông sáng tác bài hát "Tiếng còi thi đua" được giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ. Được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi ấy đã rất nổi tiếng, là bậc đàn anh giúp đỡ, giới thiệu về làm việc ở Nhà xuất bản Âm nhạc và Mỹ thuật (tiền thân của Dihavina sau này). Ông công tác tại đây cho tới lúc về hưu. Đã nghỉ nhưng được anh em tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội Âm nhạc Thủ đô.
Thoạt nhìn và mới tiếp xúc với Thái Cơ, khó nghĩ ông là văn nghệ sĩ, càng không nghĩ là nhạc sĩ bởi phong cách xuề xòa, gần như không bao giờ để ý đến trang phục kể cả những khi cần sự trịnh trọng, chu tất. Ông ít đắn đo, cân nhắc khi nói bất cứ điều gì, cứ "hồn nhiên như cô tiên" trong nói năng và hành xử. Nhưng không khiến ai trách cứ. Ngược lại, thấy ông đáng yêu hơn.
Có lần ông hẹn tôi sang 19 Hàng Buồm - trụ sở của Hội Âm nhạc Hà Nội chơi và có ý khao tôi ăn trưa vì vừa đi sáng tác ở cơ sở về, được người ta hậu đãi. Hai chúng tôi chuẩn bị ra quán thì có một nhạc sĩ xuất hiện. Vị này cũng có mối quan hệ tốt với Thái Cơ. Ông nói: "Thôi, bây giờ chúng tớ đi ăn trưa. Dịp khác tiếp cậu sau. Trong túi không đủ tiền mời thêm cậu, thông cảm nhé". Tất nhiên, người bạn kia đành ra về, ít nhiều chưng hửng. Thông thường ở tình huống như vậy, người ta chỉ việc xin lỗi vì bận, phải đi để người bạn kia ra về, chứ không ai lại thật thà nói rõ như vậy, càng không nói chi tiết không đủ tiền trong túi làm gì.
Một lần, tôi đi sáng tác cùng Thái Cơ đến một nhà máy ở Thanh Hóa. Người giám đốc ở đây có máu me làm thơ, đưa cho chúng tôi 2 bài viết về nhà máy của ông, có ý muốn chúng tôi phổ nhạc. Đến ngày báo cáo tác phẩm, tuy phải sửa rất nhiều, gần như đặt lời mới hoàn toàn nhưng tôi vẫn để tên người giám đốc ở phần ca từ. Thái Cơ thật thà nói: "Bài thơ của anh không thành bài hát được. Tôi phải đặt lời khác". Sau đó, tôi nói với ông: "Anh thật thà quá. Mất gì không đề tên ngài giám đốc cho họ sướng". Ông trả lời rất hồn nhiên: "Ông ấy có chữ nào trong ca từ đâu mà đề". May quá, có bài của tôi kéo lại nên sự mất hứng của vị giám đốc hôm đó cũng không đáng kể.
Những năm cuối đời, Thái Cơ bị tai biến phải rời Hà Nội về quê để vợ, con chăm sóc. Ông qua đời năm 2004, thọ 70 tuổi. Về sau, phu nhân của ông đã hiến tặng toàn bộ di cảo, đồ dùng liên quan đến việc sáng tác của chồng cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình.