Tài nguyên vị thế và tài nguyên mỹ cảm của biển Việt Nam
Bên cạnh tài nguyên sinh vật và không sinh vật, biển Việt Nam có tài nguyên vị thế và tài nguyên mỹ cảm không thể thay thế.
Chiến lược kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn 2045 nêu rõ mục tiêu tổng quát, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh. Chiến lược biển của Việt Nam phù hợp với xu thế “tiến ra biển” của thế giới mà Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về luật biển năm1982 (UNCLOS) đã đặt nền móng.
Bên cạnh tài nguyên sinh vật và không sinh vật, biển Việt Nam có tài nguyên vị thế và tài nguyên mỹ cảm không thể thay thế.
Tài nguyên vị thế
Về tài nguyên vị thế, Biển Đông có ít nhất 4 yếu tố.
Thứ nhất, Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vì vậy đây là nơi giao thoa và cạnh tranh của nhiều nền văn hóa lớn (Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây), nhiều cường quốc trong lịch sử. Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở hay Một vành đai, Một con đường đều đi qua Biển Đông.
Thứ hai, Biển Đông ở bản lề của khu vực phát triển kinh tế nhất thế giới, có vị trí quan trọng án ngữ các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Có 5/10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất và hơn một nửa số tàu dầu và tàu thương mại thế giới đi qua Biển Đông, biến biển này đứng thứ hai về lưu lượng thông thương sau Địa Trung Hải.
Có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay được vận chuyển qua Biển Đông. Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại của Mỹ đi qua Biển Đông, trong đó có 15 đến 20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn.
Thứ ba, Biển Đông có vị trí quân sự - quốc phòng tầm cỡ quốc tế, là nơi có tranh chấp phức tạp nhất thế giới (quần đảo Trường Sa và eo biển Đài Loan) và tiềm ẩn khả năng dẫn tới Thế chiến thứ ba nếu không quản lý tốt.
Thứ tư, Biển Đông có hai quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới (Indonessia và Philippines), và hai quần đảo giữa biển Hoàng Sa và Trường Sa có thể kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, hàng không trong khu vực.
Biển Việt Nam trải dài qua 16 vĩ tuyến, không chỉ có giá trị đa dạng sinh học mà còn còn tạo điều kiện mở rộng không gian sinh tồn của đất nước lên gấp ba lần đất liền (gần 1 triệu km biển), theo nguyên tắc đất thống trị biển và các quy định của UNCLOS 1982. Chỉ số tính biển Việt Nam (chiều dài bờ biển/diện tích đất liền) là 0,01 nằm trong số 30 nước có chỉ số cao nhất, cao hơn Thái Lan (0,007) và xấp xỉ Malaysia và cao hơn chỉ số ttrung bình của thế giới là 0,006.
Việt Nam có 2773 đảo ven biển, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và dải đất liền ven biển hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, gần và xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thế trận quốc phòng an ninh nhân dân trên biển, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, từ sớm từ xa. Hệ thống các đảo xa bờ tạo thành đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia có điều kiện và đã thực hiện quyền mở rộng ranh giới thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý ở Biển Đông.
Vị thế bên bờ Biển Đông còn cho phép Việt Nam giúp các nước không có biển và bất lợi về mặt địa lý (Lào và Campuchia) thực hiện quyền quá cảnh ra biển, yếu tố góp phần củng cố vị trí trung tâm của ASEAN.
Tài nguyên mỹ cảm
Về tài nguyên mỹ cảm, Việt Nam có 125 bãi biển, nhiều di tích văn hóa và thiên nhiên tầm cỡ quốc tế và khu vực, phân bổ dọc theo biển, giúp tăng trưởng du lịch, phục hồi sức khỏe và là chủ đề cho văn hóa, phim ảnh.
Tại vùng ven biển tập trung tám khu vực trọng điểm du lịch của cả nước gồm vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Côn Đảo, trong đó có hai di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; ba di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn; các Vườn quốc gia có biển như Cát Bà, Bái Tử Long, Côn Đảo và Phú Quốc, và các Vườn quốc gia thuộc địa phận các tỉnh ven biển như Xuân Thủy (Nam Định), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Núi Chúa (Ninh Thuận), U Minh Thượng (Kiên Giang); 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên như Yên Tử ở Quảng Ninh, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà ở Đà Nẵng, Cù Lao Chàm ở Quảng Nam, Bình Châu - Phước Bửu ở Bà Rịa - Vũng Tàu; các sân chim ở Cà Mau, Kiên Giang; 915/2.509 di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng.
Việt Nam hiện có 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có biển, trong đó có 3 trung tâm phát triển là TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; 11 huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Quảng Ngãi), Lý Sơn (Quảng Nam), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), 1 thành phố đảo (Phú Quốc)
Năm 2020 GDP của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.040,7 nghìn tỷ đồng năm 2020, chiếm 50,1% GDP cả nước, GDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2020 đạt 84,4 triệu đồng, so với mức bình quân cả nước đạt 82,7 triệu đồng. Chín tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn là những địa phương có động lực tăng trưởng nhờ những lợi thế về vị trí và kinh tế biển (Hải Phòng, 10,4%/năm), lợi thế về du lịch (Quảng Ninh, 8,4%/năm) và những địa phương ven biển thu hút mạnh FDI phát thúc đẩy tăng trưởng mạnh của những ngành chế biến chế tạo và dịch vụ (Hà Tĩnh 10,4%/năm; Thanh Hóa, 9,2%/năm; Ninh Thuận, 8,4%/năm).
Giá trị xuất khẩu của các tỉnh ven biển năm 2020 chỉ chiếm 34,9% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Tỷ lệ này chưa tương xứng với quy mô dân số và GDP của vùng ven biển (trên dưới 50%). Các tỉnh ven biển chưa thực sự vượt trội về phát triển kinh tế so với các vùng trong đất liền. Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa khai thác để có một nền kinh tế biển đúng nghĩa.
Chiến lược kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn 2045 đã thay đổi quan điểm và thứ tự phát triển kinh tế biển, trong đó chú ý khai thác tài nguyên vị thế, tài nguyên mỹ cảm hơn là tài nguyên sinh vật và không sinh vật. Chiến lược chỉ rõ ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, kinh tế dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển, phát triển kinh tế huyện đảo, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ven biển, gắn bó với biển, thân thiện với biển, phát triển khoa học, công ngệ biển, phát triển nguồn nhân lực biển, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.