'Tái nứt vỉa giếng cũ', phương thức rẻ tiền, một cú hích để nâng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ
Reuters ngày 27/6/2022 đưa tin các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang quay trở lại tận thu các giếng hiện có và thực hiện một vụ nổ thứ hai, áp suất cao để nâng sản lượng với một phần chi phí nhỏ so với chi phí hoàn thiện một giếng mới. Việc 'tái nứt vỉa' (re-fracs) này đang được áp dụng khi các nhà sản xuất dầu đá phiến tìm cách khai thác thị trường 100 USD/thùng dầu thô mà không cần đầu tư lớn vào các giếng và mỏ mới.
Tình trạng thiếu hụt dầu toàn cầu đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nhà sản xuất dầu đá phiến dành nhiều lợi nhuận hơn để tăng sản lượng. Nhưng các công ty dầu đá phiến trong nhiều năm đã phải chịu áp lực từ các cổ đông trong việc tập trung vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng sản xuất.
Việc họ miễn cưỡng đầu tư vào gia tăng nhiều sản lượng hơn đã dẫn đến căng thẳng giữa ngành công nghiệp dầu mỏ và Nhà Trắng, vốn đang chịu áp lực kiềm chế giá nhiên liệu kỷ lục 5 USD/gallon đã góp phần gây ra lạm phát cao hàng thập kỷ.
Việc tái nứt vỉa (re-fracs) có thể là một cú hích cho các nhà sản xuất, tăng nhanh sản lượng cho khoản đầu tư nhỏ hơn so với mở một giếng mới. Trước đây một số nhà sản xuất đã thử tái tạo lại các giếng khoan, nhưng kỹ thuật tái nứt vỉa đang được áp dụng rộng rãi hơn khi công nghệ được cải thiện, cần tận thu các mỏ dầu già cỗi giảm sản lượng và các công ty cố gắng khai thác nhiều sản lượng dầu đá phiến hơn với số vốn bỏ ra ít hơn.
Tình trạng thiếu hụt thép, dầu diesel, cát frac và nhân công đã khiến lạm phát mỏ dầu tăng gấp đôi kể từ tháng Giêng, khiến phương pháp tiết kiệm để thúc đẩy sản lượng này càng trở nên hấp dẫn hơn.
Theo các chuyên gia, giá tái nứt vỉa giếng cũ có thể rẻ hơn tới 40% so với tạo giếng mới. Garrett Fowler, Giám đốc điều hành của Công ty ResFrac, cho biết, họ có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng dầu chảy ra từ các giếng đã lão hóa, giúp các nhà sản xuất tối ưu hóa kỹ thuật.
Sản lượng dầu của Mỹ vẫn ở mức thấp hơn khoảng một triệu thùng/ngày (bpd) dưới mức đỉnh 12,8 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020. Tốc độ suy giảm nhanh chóng của các giếng dầu đá phiến đã hạn chế sản lượng, có thể khiến sản lượng giảm 70% trong chín tháng đầu tiên. Chi tiêu cố định có thể hạn chế sản lượng ở mức hiện tại.
Trong khi giá dầu giao sau của Mỹ ở mức khoảng 104 USD/ thùng, tăng 40% so với một năm trước, chi phí sản xuất cao hơn do thiếu nguyên liệu và lao động. Một số nhà sản xuất đang kìm hãm chi tiêu mới do lo ngại về suy thoái kinh tế.
Trong tháng này, nhà sản xuất dầu đá phiến ở Texas, Callon Petroleum, cho biết chi phí ống khoan, nhân công và cát thô đã khiến chi phí dịch vụ khoan và hoàn thiện giếng cao hơn khoảng 20% so với một năm trước.
Callon và Hess Corp, công ty khoan dầu đá phiến Bakken ở Bắc Dakota, gần đây đã phải tăng ngân sách chi tiêu vốn so với chi phí. Hess đã tăng thêm 200 triệu USD vào chi tiêu của mình, một nửa do lạm phát, trong khi Callon tăng thêm khoảng 75 triệu USD.
Stephen Ingram, Phó Chủ tịch khu vực của công ty dịch vụ mỏ dầu hàng đầu của Mỹ Halliburton cho biết các kỹ thuật như tái nứt vỉa (re-fracturing) sẽ cho phép ngành công nghiệp tiếp tục khai thác dầu và khí đốt từ các vỉa chứa dầu này.
Một lợi ích khác, theo các nhà điều hành dịch vụ dầu mỏ, là việc tái nứt vỉa (re-fracturing) không yêu cầu cần thêm giấy phép của nhà nước hoặc các cuộc đàm phán mới với chủ đất. Họ cũng cho biết phương pháp này ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn vì các khu vực giếng khoan đã có đường vào.
Matt Johnson, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng Primary Vision Network cho biết, do các vấn đề lạm phát, chuỗi cung ứng và tăng lương, bây giờ là thời điểm tuyệt vời để các nhà khai thác bắt đầu tìm kiếm các cơ hội tái nứt vỉa (re-fracs)./.