Tài sản chung hợp nhất cũng có thể phân chia
Vì nhu cầu sản xuất, 3 anh em ông T.V.A., T.V.B., T.V.C. (cùng xã Đắc Lua, H.Tân Phú) hùn tiền mua 2 đôi trâu (4 con) để cày đất cho gia đình và cày kéo thuê cho các nông dân khác. Nay người thì muốn giữ trâu lại để tiếp tục sản xuất, người thì muốn bán trâu để chia tiền nên dẫn tới bất hòa.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, đây là vấn đề pháp lý thường gặp khi tư vấn pháp luật cho người dân liên quan đến phân chia tài sản chung hợp nhất. Theo quy định, sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu của 2 hay nhiều chủ thể đối với một khối tài sản chung. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm: sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
* Được phân chia
Theo luật sư Ngô Văn Định, 4 con trâu trên thuộc sở hữu chung hợp nhất của 3 anh em ông A., B., C., nên việc bán hay không bán là do 3 anh em họ quyết định. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Do đó, nếu tài sản chung hợp nhất đó mà 3 anh em họ không thỏa thuận phân chia được thì nhờ tòa án giải quyết.
“Sở hữu chung hợp nhất thường gặp trong cuộc sống như việc nhiều người hùn tiền nhau mua khu đất, máy móc phục vụ sản xuất, gia súc chăn thả; tài sản chung của vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân… Những dạng sở hữu chung hợp nhất này được pháp luật cho phép phân chia” - luật sư Định nói.
Tương tự như trường hợp gia đình ông N.V.Y. (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom). Trong quá trình sống chung, ông N.V.Y. và các con (đã trưởng thành) cùng khai khẩn được 3ha đất. Nay các con muốn phân chia diện tích này nhưng ông Y. không đồng ý dẫn đến bất đồng.
Trường hợp này, theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan.
“Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình. Do đó, việc các con của ông Y. có nguyện vọng phân 3ha là tài sản chung của gia đình sẽ được luật cho phép dù ông Y. không đồng ý” - luật sư Hà nói.
* Phân chia sở hữu chung của vợ chồng
Luật sư Ngô Văn Định cho biết thêm, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ về sở hữu chung của vợ chồng nhưng không ít cặp vợ chồng vẫn vướng mắc trong phân chia tài sản khi tiến hành làm thủ tục ly hôn. “Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án” - luật sư Định nhấn mạnh.
Bà V.T.C. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trình bày, trong quá trình hôn nhân, vợ chồng bà được cha mẹ bên chồng tặng cho 1 căn nhà có diện tích 400m2 (đôi bên đã làm thủ tục sang tên cho vợ chồng bà vào năm 2015). Vậy căn nhà đó có được xem là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng bà trong thời kỳ hôn nhân không và bà có quyền yêu cầu chồng chia tài sản là căn nhà trên khi ly hôn?
Luật sư Ngô Văn Định tư vấn, khi việc tặng cho căn nhà trên cho vợ chồng bà hoàn thành và đúng quy định pháp luật thì căn nhà trên thuộc tài sản chung của vợ chồng bà. Do đó khi ly hôn, bà có quyền yêu cầu chồng phân chia tài sản là căn nhà này và các tài sản khác do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Nếu vợ chồng bà không thỏa thuận phân chia được thì yêu cầu tòa án giải quyết.
“Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vì đó là khối tài sản do vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân bằng công sức của mỗi người hoặc do được tặng cho chung, thừa kế chung” - luật sư Định bày tỏ.
Còn theo luật sư Cao Sơn Hà, tài sản chung của vợ chồng được dùng vào việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc sản xuất kinh doanh của cả gia đình. Vợ chồng đều có quyền ngang nhau đối với khối tài sản chung. Vợ chồng cùng bàn bạc, thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Khi một trong hai người thực hiện giao dịch mà tài sản có giá trị lớn phải được sự đồng ý của bên kia.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chỉ có tài sản chung của cộng đồng là không được phân chia. Vì nó là tài sản chung hợp nhất thuộc sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.