Tài sản của 'phòng nhì' - Bắc thang hỏi chuyện kê khai... (bài 3)

Việc kê khai và xử lý tài sản bất minh hiện chỉ giới hạn ở vợ, chồng, con cái trong gia đình chứ chưa thể 'vươn tay' ra với người khác, trong đó có khối tiền, tài sản không hề nhỏ mà quan chức chuyển cho các 'phòng nhì', 'em gái'. Đây vẫn là khoảng trống lớn khó 'bịt' bằng pháp lý...

1. Gần đây, sau việc một cán bộ lãnh đạo bị xử lý do vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, trên mạng xã hội có nhiều bàn tán. Trong đó, đáng chú ý là những bàn tán về khối tài sản do cán bộ này sở hữu không chỉ đứng tên vợ, con trong gia đình mà cả tài sản dành cho “bồ”! Họ cho biết, những mĩ nhân làm “em gái” của người này là khó có thể liệt kê hết, song có những trường hợp người làm việc cùng biết khá rõ, rõ cả những tài sản mà mĩ nhân được hưởng dưới dạng quà tặng như xe hơi đắt tiền, nhà liền kề, căn hộ sang trọng... Có những món quà được tặng chỉ trong nháy mắt, vậy mà mĩ nhân cũng dễ dàng có được cả chục tỷ đồng với cú “lắc tài khoản” chỉ “nhân dịp sinh nhật”.

Một hội nghị về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Một hội nghị về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Tính xác thực của những câu chuyện trên mạng xã hội như vậy chưa dễ gì đủ tin cậy để kết luận trắng đen, song dân gian có câu “không có lửa làm sao có khói”, khi mà tin đồn rộ lên thì điều đó cũng đặt ra nhiều suy ngẫm. Vả lại, trong thực tế đời sống xã hội ngày nay, việc quan chức “bao quà” cho mĩ nhân dạng “em gái, bé gái” là một hiện tượng không còn cá biệt. Đáng nói, về mặt tâm lý học, những “bé gái” với lực hút của chữ tình vốn không dễ gì cân đo nên việc nhận quà giá trị lớn như biệt thự, trang trại, chung cư cao cấp, xe hơi đắt tiền cũng trở nên đơn giản nếu như mĩ nhân làm “vừa ý” quan chức, thậm chí là những mĩ nhân có kỹ năng “đào mỏ” thì không gì là không thể. Ngẫm về cảnh đó, có người bình luận, xưa nay người làm quan thường có tư tưởng vun vén cho gia đình, dòng họ, chả thế mà dân gian truyền miệng “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Nhưng, cả gia đình, cả họ ở đây thì dẫu sao cũng còn lý giải được về mặt tình nghĩa anh em, chú bác, họ hàng nên người làm quan giàu có “tán” bớt lộc cho người thân cũng là một tập tục có từ thời kỳ phong kiến. Xây dinh thự, sắm xe cộ cho vợ con, chú bác bằng nguồn tiền phi pháp đã đành, nay lại “vung tay bao gái” thì thử hỏi, chừng nào tài sản mới đủ. Mà đâu phải chỉ một cô, hai cô, cứ vừa ý, rung tình thì nhiều cô dễ “khơi mỏ” và còn lấy đà đòi hỏi cả về chức tước để khẳng định vị trí trong xã hội nữa. “Bắc thang mà hỏi ông trời/ đưa tiền cho gái có đòi được không”, thử hỏi, tiền nào, tài sản nào cho đủ, thật là “bắc thang hỏi chuyện kê khai” tài sản đối với những bóng hồng đi qua cuộc tình những quan chức này.

Chúng tôi từng gặp vợ của cựu lãnh đạo ở địa phương mà người này khi đương chức bị người dân bức xúc vì vừa tham lam lại vừa ăn chơi xa hoa. Tuy nhiên, vợ của quan tỉnh giàu có nhưng bà lại không cho thấy sự cao ngạo hay xài tiền như lá, trái lại vẫn giữ phong cách chân chất. Tìm hiểu thì được biết, hóa ra bà chỉ đóng vai vợ trên danh nghĩa, còn “đức lang quân” sung sức lại có khá nhiều “em gái” khác. Trong khi bà vợ vẫn ở căn nhà khá khiêm tốn thì những mĩ nhân của ông chồng lại có cơ ngơi khá giả, có người sở hữu cả trang trại, nhà cửa bề thế nhưng lại không đứng tên vợ nhì hay vợ bé gì cả. Thành thử, trong bản kê khai tài sản, hẳn nhiên chỉ có khu đất và nhà đứng tên vợ, còn các “phòng nhì” vốn có khối tài sản lớn thì lại không nằm trong danh sách kê khai.

2. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập. Như vậy, luật không thể “vươn tay” ra các “phòng nhì”, “em gái” của quan chức để buộc họ phải kê khai và đây chính là kẽ hở không hề nhỏ để dòng tiền, tài sản bất minh đổ về.

Đây là hiện trạng mà người dân ở nhiều nơi phần nào đó biết được, thấy được nhưng lại không thể đòi hỏi cơ quan chức năng kiểm soát, yêu cầu kê khai tài sản với các “bóng hồng” khi mà về mặt pháp lý, họ chẳng có liên quan gì đến gia đình, dòng họ với vị quan chức đó cả. Ngẫm thế thì đâu phải “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà những họ khác cũng được nhờ lớn bởi “lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Khi đã bị say tình, bị vòng vây của ái tình điều khiển thì có khi người ta còn dám làm cả những điều mà bình thường vợ, con họ không thể đề đạt, huống gì chỉ ở mức dùng tiền bạc để “nuôi em”.

Tình trạng kê khai tài sản không trung thực còn diễn ra nhiều nơi. Minh họa: CTV.

Tình trạng kê khai tài sản không trung thực còn diễn ra nhiều nơi. Minh họa: CTV.

Theo quy định tại Nghị định 130/NĐ-CP thì những tài sản thuộc diện phải kê khai nếu có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, có những thứ ngỡ như đơn giản vì trong quan niệm đó chỉ là tài sản nhỏ như cái thắt lưng, đồng hồ đeo tay thì hiếm thấy ai kê khai. Trong khi đó, dư luận từng băn khoăn về những chiếc thắt lưng hay đồng hồ tiền tỷ, thậm chí đồng hồ có giá nhiều tỷ đồng đeo trên tay cán bộ thì sự thực giá trị của những tài sản đó đến đâu, nếu giá trị lớn như vậy thì có kê khai hay không, đó vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ.

Về giá trị tài sản, ngày nay, câu chuyện quan chức ôm hàng loạt biệt phủ, dinh thự, trang trại, đất đai đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận. Dường như tài sản để xác định sự giàu có của quan chức không còn được tính bằng động sản mà phải là bất động sản. Đơn giản bởi giá trị của những chiếc xe sang thì cũng chỉ dăm, bảy tỷ hay một, hai chục tỷ, giá trị mấy trăm cây vàng cũng chẳng thấm tháp gì so với những lô đất, khu dinh thự ở vị trí đắc địa. Trào lưu gom đất, xây dựng dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái của quan chức hiện không chỉ giới hạn trong một vùng, một lãnh thổ mà còn bao rộng ra nhiều vị trí “vàng” trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài.

Có ý kiến cho rằng, bây giờ trong giới cán bộ, quan chức, người ta “giao ước ngầm”, ai ở vị trí nào, cỡ nào thì phải “xứng tầm” với bao nhiêu dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái. Nếu cỡ bí thư, chủ tịch tỉnh mà ở nhà ống, không dinh thự, biệt phủ thì bị cho là “lạc lối”, không gia nhập được “nhóm G phát triển”. Và, cũng có những nhóm kiểu như câu lạc bộ nghìn tỷ để khẳng định giá trị, khẳng định “đẳng cấp” của mình. Những điều này chỉ là dư luận, chỉ là “hiểu ngầm”, không có văn bản, giao ước cụ thể nào nhưng dư luận đó cũng đặt ra những vấn đề thời sự rất đáng chú ý về suy nghĩ, lối sống, cách chơi, cách hiểu, sự vơ vét, giàu có của một số cán bộ lãnh đạo hiện nay.

3. Biệt phủ, dinh thự... là những từ chỉ tài sản của quan tham thời phong kiến, thực dân, họ có được bằng các nguồn tham nhũng, vơ vét của dân. Ngày nay, xã hội đổi khác, song nhiều quan chức vẫn giữ thói tham lam, vơ vét của cải nhà nước, nhân dân để tư túi, sở hữu những khối tài sản kếch xù. Chúng ta đang xây dựng bộ máy nhà nước mà cán bộ là công bộc của dân, việc dư luận vẫn nêu tên dinh thự, biệt phủ, đồn điền của quan này, quan kia cho thấy đây vẫn là thực trạng nhức nhối, cần nhiều hơn nữa sự quyết tâm và thời gian cải sửa.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cụ thể các trường hợp phải kê khai tài sản và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản đó. Với thực tế trên, việc kê khai và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người. Chỉ có 54 người bị xử lý do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Các hình thức xử lý bao gồm xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức...

Như vậy, mặc dù việc kê khai tài sản đã thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật liên quan, song việc xử lý sai phạm vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn. Ngay cả việc khi cơ quan chức năng xác định kê khai tài sản không trung thực, còn nguồn tiền, tài sản lớn nhưng không rõ nguồn gốc thì việc xử lý cũng mới chỉ dừng ở hành chính, cao nhất là cách chức. Còn lại, khối tài sản “khủng” vẫn chưa có chế tài xử lý (nguyên nhân như chúng tôi đã phân tích ở bài trước).

Đồng thời, việc kê khai và xử lý tài sản bất minh hiện chỉ giới hạn ở vợ, chồng, con cái trong gia đình chứ chưa thể “vươn tay” ra với người khác, trong đó có khối tiền, tài sản của các “phòng nhì”, “em gái” vẫn là khoảng trống lớn khó “bịt” bằng pháp lý. Rõ ràng, còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để dần hướng đến tính thực chất, hiệu quả hơn trong kê khai tài sản - một biện pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng của cán bộ, đảng viên.

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tai-san-cua-phong-nhi-bac-thang-hoi-chuyen-ke-khai-bai-3--i738444/