Tài sản là những chuyến đi…
'Trời se lạnh, sương còn đọng trên lá lấp lánh. Đi vòng qua dăm con phố vắng, đến đoạn đường chợt nhìn thấy một bụi hoa. Xa xa, có chú bồ câu tha thẩn đi kiếm mồi. Hà Nội giờ mới độ hơn 2h sáng. Chợt thấy nhớ da diết…'
Những buổi chiều nước Nga
Đó là tuần thứ 2 của World Cup 2018, được tổ chức ở nước Nga. Tôi đến Kaliningrad sau chặng bay lúc nửa đêm khởi hành từ Saint Petersburg, thành phố hoa lệ gắn với tên tuổi của Pi-ốt Đại đế. Không nhiều nhà báo Việt Nam tác nghiệp ở các kỳ World Cup, và tôi có lẽ còn may mắn hơn khi đặt chân tới Saint Petersburg trùng thời điểm lễ hội Cánh buồm đỏ, sự kiện nổi tiếng của thành phố vào đúng “đêm trắng”.
Cánh buồm đỏ thắm lướt chậm trên dòng sông Neva giữa rực rỡ pháo hoa bên bờ, như lời ước hẹn tương lai rạng rỡ với các sinh viên Nga. Buổi chiều trước đêm lễ hội, có thể gặp các cô cậu sinh viên xúng xính trong áo mũ tốt nghiệp đi dạo trong Vườn mùa hè, ai cũng tươi trẻ, rạng ngời.
Mỗi buổi chiều sau một ngày làm việc, tôi lại đi dọc theo bờ sông Neva. Con sông sau ngày lễ hội trở lại nét hiền hòa, thoáng chút buồn khi chiều về. Đó là những buổi chiều đầy kỷ niệm xao xuyến, thoáng trong tôi những dòng thơ đầy hoài niệm của thi sĩ Ônga-Bec gôn:
Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ
Khúc hát say mê một thời thiếu nữ
Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva
Và tiếng chim kêu mỗi buổi chiều tà!
Nước Nga đẹp nhưng buồn, có lẽ một phần vì nó quá mênh mông nhưng nhiều vùng đất lại hoang bóng người. Cái buồn khiến cho lữ khách không khỏi thấy bơ vơ, cô đơn. Tôi có cơ hội cảm nhận rõ điều đó ở Kaliningrad, thành phố trở nên thưa vắng người sau trận đấu giữa Anh và Bỉ. Sự sôi động, náo nhiệt do CĐV hai nước đem lại những ngày trước trận đấu biến mất, để lại những khoảng trống trải mênh mông.
Buổi chiều lạnh, đứng bên bờ mặt hồ nước mênh mông gần cửa ô thành phố, gió thổi lồng lộng. Những bước chân hối hả đi qua. Chợt thấy thèm một không gian nhỏ, ấm cúng với bữa cơm chiều thơm mùi cơm gạo, một bóng hình quen trong những tháng ngày tuổi trẻ say mê, nông nổi…
Làm dày thêm trải nghiệm
Đêm Kaliningrad, 2 anh chàng CĐV Anh gần như say mèm, khoác vai nhau hát một cách ồn ào và vô tư trên đường phố. Tom, cậu trẻ hơn, kéo tay tôi lôi vào một quán bar náo nhiệt. “Ồ, tôi cũng thích Paul Scholes đấy. Vào đây làm tí anh bạn!”-Paul hét to.
Bóng đá có sức mạnh đặc biệt, khiến cho những người lần đầu quen biết nhau có thể trở thành bạn bè, bất kể quốc tịch, tôn giáo hay màu da. Căn phòng trọ trong một chiếc “dorm” tôi ở tại Saint Petersburg có đủ thành phần: Một anh nhà báo Việt Nam, 1 cô gái đến từ Argentina và 2 thanh niên Brazil. Pablo Regis, tự giới thiệu mình là cảnh sát, cho biết đã cùng anh bạn Iuri làm nghề giáo viên, nghỉ phép 1 tháng để đồng hành cùng đội tuyển Brazil.
Sau màn làm quen nhanh gọn, một ngày sau chúng tôi đã “hợp cạ” để cùng nhau thưởng thức bữa sáng trong một quán nhỏ, trước khi nhảy metro đi thăm thú Cung điện mùa hè. Regis yêu đội tuyển Brazil và hiển nhiên, là một “fan” cuồng nhiệt của Ronaldo. Anh chàng tặng tôi chiếc mũ Brazil sau khi nhận một món quà nhỏ từ Việt Nam.
Nam Lê, sinh viên người Việt Nam ở Singapore, quen tôi ở nhà ga Moscow và một ngày sau, chúng tôi trở thành bạn trong một căn phòng trọ nhỏ tại Kazan. Chuyến đi của tôi trở nên bớt tẻ nhạt khi có một người bạn đồng hành mới. Cả 2 chỉ chia tay khi đến Saint Petersburg, kẻ đi tàu người đi máy bay và hơn một năm sau, tôi lại có dịp gặp lại Nam ở Việt Nam. Không khó nhận ra sự tự tin của chàng thanh niên trẻ, với hành trang là cũng rất nhiều chuyến đi Nam chia sẻ với tôi.
Tôi nhận ra là giữa “cuộc sống” trên truyền thông, có một cuộc sống khác, bình dị và đầy chất con người ở những mảnh đất mình đi qua. Asian Cup 2019 là một lần như thế, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở UAE.
Hamad Alameri và Faisal, 2 anh chàng người UAE thực sự gây ấn tượng với vẻ ngoài đậm chất Ả-rập: bộ râu dày, lông mày đậm với cặp mắt sâu, và rất điển trai. Hamad đã rất nhiệt tình mới tôi về nhà khi vị khách nước ngoài cho biết “chưa lần nào thấy lạc đà”. Nhà Hamad rộng, trong sân vẫn giữ một căn lều lớn “kỷ niệm căn lều của ông tao 60 năm trước”-Hamad nói, một căn phòng rộng nơi “đàn ông trong nhà uống trà”, còn phụ nữ phải ở một khu vực khác.
Chuồng nuôi lạc đà của nhà Hamad hóa ra thật đơn giản, chỉ là những khung sắt quây thành hình vuông trên bãi cát lớn. Phân lạc đà đầy trên cát, gây nên mùi khá khó tả.
Chú lạc đà đực liên tục đi lại trong chuồng, miệng kêu lên nhưng tiếng “ùng ục” đầy kích động.
“Ồ, đây là lạc đà đực đấy. Đến mùa động dục người ta sẽ cho lạc đà cái vào chuồng và nó sẽ làm tình cả ngày”-Hamad giới thiệu, kèm cảnh báo lạc đà đực khi động dục rất hung dữ và có thể cắn chết người.
Myanmar 2013, tôi đặt chân tới Yangon khi điện thoại di động vẫn là thứ hàng đắt đỏ và ít phổ biến. Có thể gặp dịch vụ cho thuê điện thoại cố định, với giá tiền độ 500 kyas ở nhiều nơi. Khu phố Tàu tập nập nhưng khá xô bồ, bụi bặm. Cánh đàn ông lạ lùng trong những chiếc váy “longyi”, miệng bỏm bẻm nhai trầu đỏ choét. Những e ngại ban đầu tan biến khi tôi nhận ra sau vẻ ngoài tưởng thiếu thân thiện đó là những con người khá cởi mở, và đặc biệt hiền lành. Từ Yangon đến Nay Pyi Taw, các vùng đất thoáng qua cửa kính xe ô tô gợi nhớ đến phong cảnh những miền quê Việt Nam những năm 90, với những cánh đồng vương rơm rạ, xe bò kéo và những con người chân chất. Có chút gì thân thuộc rất khó tả thành lời…Ba năm sau trở lại, tôi chứng kiến một Yangon đổi khác khi điện thoại di động, internet trở nên phổ biến.
Cứ thế, hành trang của tôi dày thêm sau mỗi chuyến đi.
Tôi có lẽ là người may mắn của tòa soạn khi thường xuyên có cơ hội tác nghiệp ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi lại đem lại những trải nghiệm mới, cảm xúc mới. Mỗi vùng đất bước chân qua đều để lại nhiều kỷ niệm, vốn sống, biết thêm những tri thức mới, có thêm những người bạn mới… Đó có lẽ là “tài sản” lớn nhất tôi tích lũy trong những năm tháng gắn với Tiền Phong.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tai-san-la-nhung-chuyen-di-post1587409.tpo