Tài sản Nga bị đóng băng: Italy đưa 'cảnh báo ngầm', nhắc đến đồng Nhân dân tệ; hé lộ dự định của EU
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Fabio Panetta đã đưa ra một cảnh báo ngầm về kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm sử dụng khoản lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị đóng băng.
Ông Fabio Panetta cho rằng, việc “vũ khí hóa” đồng Euro có nguy cơ làm tổn hại đến sức hấp dẫn của đồng tiền chung và thúc đẩy các đồng tiền của đối thủ.
"Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là 'một lời nhắc nhở rõ ràng' về những lợi ích chiến lược của châu Âu khi EU có một loại tiền tệ chung như Euro. Sức mạnh này phải được sử dụng một cách khôn ngoan", Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy nhấn mạnh.
Theo ông, việc tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán cho thương mại giữa Trung Quốc và Nga là minh chứng cho điều này.
Bắc Kinh đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ ở các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, khiến họ khó thanh toán hàng hóa bằng các đồng USD hoặc Euro hơn.
Tỷ trọng thương mại của Trung Quốc được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ đã tăng gấp đôi trong ba năm qua, giúp đồng tiền này vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới trong thanh toán thương mại.
Ông Panetta không đề cập cụ thể đến kế hoạch của EU về vấn đề chuyển cho Ukraine khoản lãi từ số tài sản đóng băng của Moscow. Tuy nhiên, các quan chức cho biết những phát biểu của ông có tính đến những kế hoạch này.
Italy đã đóng băng một lượng tương đối nhỏ quỹ của Ngân hàng trung ương Nga. Phần lớn tài sản của Moscow bị kẹt ở Bỉ, nơi Trung tâm lưu ký chứng khoán trung ương (Euroclear) nắm giữ khoảng 191 tỷ Euro.
EU đang lên kế hoạch thu khoản lợi nhuận bất thường mà Euroclear kiếm được từ tài sản cố định và trao cho Ukraine. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên dự kiến sẽ sớm thông qua các quy định mới, trong đó khiến EU buộc phải thu giữ những khoản lợi nhuận này, nhưng không thực sự chuyển cho Kiev.
Mỹ, hiện đang giữ khoảng 5 tỷ USD tài sản Nga, đã thúc đẩy các nước thành viên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác tiến thêm một bước nữa và tự chiếm giữ tài sản của Nga.
Nhưng Italy là một trong số các quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức và Pháp, tỏ ra nghi ngờ về động thái như vậy và cảnh báo những tác động của việc tịch thu tài sản thuộc về một quốc gia có chủ quyền, mà theo luật pháp quốc tế có quyền miễn trừ.