'Tài sản' vô giá của TPHCM
Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổng kết 30 năm xây dựng - phát triển Khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM và kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Công nghệ cao TPHCM. Đây được xem là 2 điểm sáng của thành phố trong nhiều nhiệm kỳ, phản ánh “khát vọng vươn lên, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo để hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp, hoạt động có hiệu quả” - như đánh giá của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; cũng như tinh thần sớm nắm bắt, tiếp nhận, ứng dụng và từng bước vận hành nền kinh tế tri thức thành một trong những phương thức hoạt động kinh tế chủ lực của thành phố trong suốt 2 thập niên qua.
Từ “con đường vòng” đi khảo sát, nghiên cứu để tiến tới xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận thành một mô hình gia công xuất khẩu (vào những năm 1992-1993), đến bước đột phá lên trình độ công nghệ tiên tiến hơn nhằm tránh thoát sự tụt hậu của nông nghiệp và công nghiệp truyền thống (năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu Công nghệ cao TPHCM) đã hội tụ “cần và đủ” các yếu tố: quyết tâm chính trị của cả hệ thống, dưới sự “bảo trợ” của trung ương; thành phố tập trung nguồn đầu tư ngân sách, mà chủ yếu là cơ sở hạ tầng; linh hoạt trong các cách thức tiếp cận, tiếp sức với doanh nghiệp, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và cơ chế một cửa tại chỗ để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; chính sách đãi ngộ đặc thù về nhân sự, bao gồm lãnh đạo lẫn người quản lý.
Trong các quyết sách quan trọng nói trên, tính đồng thuận của nhân dân là yếu tố then chốt. Bởi hầu hết đều chấp nhận thay đổi nơi ăn chốn ở, dời đến các khu vực tái định cư để dành các khu đất lớn cho thành phố tập trung phục vụ chiến lược nghiên cứu, phát triển sản xuất. Vì thế, 20-30 năm sau, khi nhìn về một giai đoạn lịch sử, cả người đứng đầu Đảng bộ thành phố và Chính quyền thành phố trong các phát biểu đều đặc biệt gửi lời tri ân đến người dân - có những đóng góp cụ thể nhất, hữu ích nhất cho sự phát triển không ngừng của thành phố hôm nay.
Khi “sứ mệnh lịch sử” trong giai đoạn đầu hoàn thành, lúc này lại bộc lộ không ít vấn đề không còn phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi, đột phá trở thành mệnh lệnh sống còn. Theo HEPZA (Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM), giai đoạn 2000-2020, TPHCM phát triển chủ yếu dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào. Xu hướng hội nhập kinh tế bằng công nghệ cao lại chưa được các khu công nghiệp chủ động tiếp nhận và chuẩn bị nguồn lực dịch chuyển. Việc phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo chưa thật sự rõ nét. Tại đây xảy ra tình trạng thâm dụng lao động thiếu kỹ năng, trong khi TPHCM có đủ năng lực cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngay cả khi TPHCM không ngừng nỗ lực thì xu hướng đổi mới, tiến bộ của môi trường chung - nhìn rộng cả các địa phương trong cả nước, toàn khu vực, cũng chính là một áp lực (và là động lực) buộc thành phố phải “định vị lại” để “nghĩ xa, nghĩ tới phát huy nội lực ngày càng nhiều để tính tự chủ ngày càng lớn” - gợi ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. Lời đề nghị của đồng chí về việc “các khu chế xuất, khu công nghiệp TP phải quyết liệt loại bỏ các doanh nghiệp lạc hậu, thâm dụng lao động, sử dụng nguyên nhiên liệu phát thải cao” đồng nghĩa với việc tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, đảm bảo chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.
Từ năm 2021 trở đi, tất cả các ưu tiên chính sách sẽ phải tập trung vào yếu tố đổi mới sáng tạo cho tất cả các ngành kinh tế. Việc tái cấu trúc theo tiếp cận đổi mới sáng tạo cần diễn ra tất cả các ngành kinh tế, thay vì chỉ tập trung ở các ngành trọng yếu và truyền thống, nhằm tăng vị thế TPHCM qua chỉ số Thành phố toàn cầu. Theo xu hướng này, các nỗ lực chính sách của TPHCM trong thời gian tới cần hướng đến phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo quan trọng như tinh thần doanh nhân, khu vực tư nhân, vườn ươm, và bằng sáng chế.
Vấn đề là không chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng các con số mà còn góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Và “không chỉ tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mà phải là nơi sáng tạo, cung cấp công nghệ cho nền kinh tế” - một cam kết có tính khả thi, một khát vọng đang được hiện thực hóa của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Từ một vùng chiến khu với phần lớn diện tích là ruộng lúa bạc màu và hoang hóa, hay cả một “vành đai” khô cằn, trải qua 20-30 năm hình thành và phát triển, những mô hình kinh tế như Khu công nghiệp - khu chế xuất, Khu Công nghệ cao TPHCM đã trở thành một phần của lịch sử phát triển thành phố, với sự đóng góp không mệt mỏi về sức nghĩ, sức làm và hiệu quả kinh tế - sản xuất - việc làm, không chỉ riêng cho thành phố, người thành phố.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//tai-san-vo-gia-cua-tphcm-853005.html