Tại sao 3 dự án BOT giao thông chủ động đề nghị thực hiện kiểm toán?
Trong phiên chất vấn sáng ngày 05/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, nhóm vấn đề về Giao thông vận tải (GTVT) nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước.
Trong đó, kết quả kiểm toán 61 dự án BOT giao thông trên cả nước đã được đại biểu Bùi Văn Phương – Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đưa ra chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Câu hỏi “Tại sao chỉ có 03/61 dự án BOT chủ động mời Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào kiểm toán dự án?”, được ĐB Bùi Văn Phương đưa ra chất vấn Bộ trưởng Thể đã thực sự khiến cử tri cả nước giật mình.
Để tìm hiểu tại sao 3 dự án: Hầm Đèo Cả, Bắc Giang – Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đã chủ động mời KTNN vào cuộc, như lời của ĐB Bùi Văn Phương nêu ra trước Quốc hội, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Văn Thế – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị tham gia vào cả 03 dự án trên.
Ông Thế cho biết: "Trước hết, tôi nghĩ rằng, trong một cơ chế khá phức tạp trong lĩnh vực đầu tư BOT (loại hình hợp tác công tư) khi liên quan đến chính sách nhà nước đòi hỏi phải có sự tham gia xuyên suốt của vai trò nhà nước trong quá trình thực hiện, thì chỉ có đề nghị nhà nước thực hiện kiểm toán mới có thể giúp chúng ta nhìn rõ ở các góc độ bất cập của dự án.
Từ đó, KTNN mới có thể đưa ra các khuyến nghị hoặc kiến nghị cho các bên về trách nhiệm hoặc chính sách để kịp thời điều chỉnh và cập nhật phù hợp. Việc điều chỉnh các bất cập, phân định rõ trách nhiệm vai trò của nhà nước và tư nhân trong vấn đề hợp tác công tư chỉ được sáng tỏ khi thông qua bước kiểm toán độc lập để đánh giá khách quan.
Thứ hai, tại các dự án BOT có sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả nêu trên không phải do Đèo Cả khởi sướng, nên khi đảm nhận vai trò “chủ công” thì yêu cầu kiểm toán là việc cần phải làm.
Cụ thể, tại dự án Hầm đường bộ Đèo Cả thì ban đầu là do Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Mai Linh, Công ty BOT PMC và Tập đoàn Đèo cả (trước đây là Công ty Hải Thạch BOT là doanh nghiệp địa phương) đã cùng liên doanh hợp tác đầu tư, lúc đó, Đèo Cả chỉ tham gia với vai trò rất nhỏ nhoi như là người liên lạc viên nối kết các Nhà đầu tư với Chính phủ, làm việc với góc độ tìm hiểu và nghiên cứu thúc đẩy dự án. Dự án đã được Nhà đầu tư của Pháp là Vinci và ngân hàng phát triển Nông nghiệp của Pháp tham gia thực hiện dự án này.
Lúc đó khoảng năm 2011, với tổng mức đầu tư do Tập đoàn Vinci nghiên cứu đề xuất là: 15.600 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư khổng lồ như vậy, trong điều kiện lãi suất cho vay lúc đó của các ngân hàng Việt Nam ở mức từ 16% - 18% /năm là một điều khó khả thi để đầu tư, thực hiện. Muốn vay vốn từ ngân hàng của Pháp thì phải có bảo lãnh của Chính phủ… Tình thế và điều kiện nan giải đó đã làm cho các nhà đầu tư ban đầu quyết định rút lui, đầu tiên là Công ty BOT Cầu Phú Mỹ rồi đến lượt Tập đoàn Mai Linh …
Với vai trò là một điều phối viên, Đèo Cả đã phải tìm kiếm những đối tác mới để tiếp sức cho dự án, và Quỹ đầu tư của ngân hàng Vietinbank đã được kết nối, vào thay thế các ông lớn đã rút lui . Lúc này, dự án đã hình thành nên một ekip đầu tư mới, các bên tiếp tục bàn bạc và tìm kiếm giải pháp tiết giảm chi phí thông qua đối tác tư vấn là Nippon Koie của Nhật Bản. Cuộc đua marathon của dự án lúc này trở thành là một cuộc đua tiếp sức các Nhà đầu tư còn lại, với yêu cầu giảm dần tỷ lệ góp vốn ở các giai đoạn tiếp theo và giao lại sứ mệnh cho Tập đoàn Đèo cả tiếp tục gồng gánh.
Và các giải pháp hữu hiệu đã được vạch rõ, đó là, tiết giảm đường công vụ, thay biện pháp thi công cầu thép chuyển thành cầu Bêtông và một số hạng mục khác… để tiếp tục tiết giảm tổng mức đầu tư (TMĐT) xuống còn 12.000 tỷ đồng. Lúc này, Bộ trưởng Bộ GTVT đương nhiệm và cả Thứ trưởng trực tiếp phụ trách theo dõi dự án Hầm đường bộ Đèo Cả lúc này là ông Nguyễn Văn Thể (đương kim Bộ trưởng Bộ GTVT hiện nay) đều bày tỏ quan ngại, hoài nghi về khả năng giảm TMĐT của dự án này, và Quốc hội cũng đã đặt vấn đề đưa ra chất vấn, với nghi vấn “có sự gửi gắm gì trong dự án này hay không?”.
Trước tình thế này, bắt buộc Đèo Cả chỉ có một con đường duy nhất để đưa ra câu trả lời thuyết phục đó là mời KTNN vào cuộc làm rõ. Sau thời gian làm việc thận trọng, KTNN đã đưa ra câu trả lời con số 12.000 tỷ là mức đầu tư hợp lý và khả thi. Qua đó, đã giúp cho Đèo Cả khẳng định có nguồn để tiếp tục thực hiện dự án Hầm đèo Cù Mông.
Đồng thời, khi KTNN vào cuộc đã chỉ ra các sai sót từ phía Nhà đầu tư do chưa nắm rõ các quy định, áp dụng các đơn giá định mức không phù hợp và các bất cập trong cơ chế, chính sách… Qua đó, yêu cầu Nhà đầu tư khắc phục các tồn tại, đồng thời kiến nghị các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, sửa chữa những bất cập trong quyết định 4255/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2015 (về thẩm quyền quản lý Dự án), Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT ( về Giá thu phí) và Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính (về lãi vay đối với đầu tư dự án PPP).
“Còn tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, khi Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Trương Quang Nghĩa xác định năng lực Nhà đầu tư không đảm bảo, nhiều vấn đề như: năng lực điều hành dự án không rõ ràng của các Nhà đầu tư ban đầu, đặc biệt là công ty UDIC. Ông đề nghị Tập đoàn Đèo cả tham gia đầu tư, yêu cầu trình bày giải pháp tháo gỡ dự án. Từ đó, Công ty Đèo Cả đã đề nghị mời Kiểm toán nhà nước vào cuộc kiểm toán để minh bạch mọi vấn đề chưa rõ ràng.
Việc mời KTNN đã vướng phải nhiều trở lực đụng chạm nhiều bên liên quan, nhất là Nhà đầu tư UDIC, nhưng thông qua kiểm toán thì mới có cơ sở đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp xử lý, đồng thời nhờ kết quả kiểm toán, các câu trả lời chính xác về dòng tiền dự án khi làm việc với cơ quan điều tra công an tỉnh Phú Thọ và đã được xác minh không liên quan đến ông Dương UDIC (bị xử lý hình sự trong vụ đánh bạc)” – ông Trần Văn Thế chia sẻ thêm.
“Tại Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, thì việc Tập đoàn Đèo cả với kinh nghiệm của mình, khi tham gia quản trị điều hành dự án cũng đã đề nghị KTNN vào cuộc để xác định rõ phạm vi của các Nhà đầu tư, Nhà thầu do doanh nghiệp dự án trước đây thực hiện để xác định các vướng mắc thật sự là gì? (với một dự án kéo dài gần 10 năm qua, khi đã hội đủ các điều kiện thuận lợi từ việc GPMB, nguồn vốn vay tín dụng và sự quan tâm của mọi người… nhưng vẫn dậm chân tại chỗ).
Từ đó, doanh nghiệp dự án mới và các bên liên quan nhìn ra các sai soát trước đây nhằm triển khai thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019) tránh lợi ích nhóm, đồng thời khi thực hiện điều chỉnh dự án và loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém không để xảy ra tình trạng khiếu kiện...
Dự án nay đã được KTNN thực hiện xong ở giai đoạn 1, hiện đang được thúc đẩy khẩn trương với sự phối hợp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang và Nhà đầu tư dự án nhằm thông tuyến đúng tiến độ vào cuối năm 2020.
"Các đề nghị kiểm toán mặc dù xuất phát từ ý thức của Nhà đầu tư, nhưng đã được Bộ GTVT đồng thuận và Kiểm toán nhà nước đồng ý thực hiện, đã phần nào làm minh bạch mọi vấn đề, để đảm bảo các dự án BOT được triển khai một cách tốt nhất, trên tinh thần thượng tôn pháp luật” - ông Trần Văn Thế nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, việc đề nghị thực hiện kiểm toán các dự án BOT sẽ giúp các Nhà đầu tư khẳng định được tính khả thi, minh bạch khi thực hiện dự án, nắm bắt các sai sót kịp thời để khắc phục. Đồng thời, qua đó phát hiện ra những bất cập trong các văn bản hành chính để kiến nghị chỉnh sửa, khắc phục hoặc hủy bỏ.
Ngoài ra, kiểm toán cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia dự án BOT bao gồm cả Nhà nước. Qua đó, thể hiện sự bình đẳng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các dự án BOT giao thông vốn đang có nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ các cơ chế chính sách trong thời gian qua.