Tại sao 3 hãng hàng không tiếp tục đòi tăng giá vé dù đang lãi lớn?
Ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific vừa tiếp tục đồng loạt đề xuất tăng giá vé dù đang trong giai đoạn 'ăn nên làm ra'.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân được cả ba hãng hàng không đưa ra là do giá xăng dầu thế giới dao động theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.
Theo thông tin trên báo chí, tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của doanh nghiệp này cho biết, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, những lúc cao nhất lên đến 38%.
Cũng theo ông Hiền, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của doanh nghiệp này tăng theo khoảng 230 tỷ đồng/năm.
Mặc dù vậy, cả ba doanh nghiệp này vẫn lãi lớn trong thời gian vừa qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu 47.943 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 83%, lên mức 1.511 tỷ đồng, hoàn thành 49,38% kế hoạch doanh thu năm 2018 và hơn 62% chỉ tiêu lợi nhuận.
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air có doanh thu quý II đạt 8.637 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với cùng kỳ năm 2017 (tăng hơn 52%).
Với doanh thu này, lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế quý này đạt hơn 711 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet Air thu về tổng cộng hơn 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động vận tải truyền thống, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cũng chia sẻ trên Bloomberg rằng các hoạt động phụ trợ cũng mang lại khoản tiền đáng kể, tăng đến 50% so với nửa đầu năm 2017.
Trong khi đó, tạp chí điện tử Zing dẫn thông tin từ Jetstar Pacific cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng lợi nhuận của hãng đã vượt kế hoạch 6 lần, hiệu quả hơn 523 tỷ so với cùng kỳ, và có lãi ấn tượng sau nhiều năm được giới quan sát nhận định là kinh doanh lỗ.
Cũng theo hãng bay này, tình hình kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tỷ giá USD cùng giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng tổng chi phí của Jetstar Pacific trong 7 tháng đầu năm 2018 lãi giảm 1% so với kế hoạch. Doanh thu tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2017 và vượt 3% so với kế hoạch năm 2018.
Theo số liệu từ tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (IATA), giá nhiên liệu máy bay trung bình thế giới tháng 8/2018 tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng là vé nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500 km, ở mức 1,6 triệu đồng/lượt.
Với nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800 km là 2,2 triệu đồng/lượt. Nhóm 850 km - dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên có mức 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo Quyết định 3282 của Bộ Tài chính, với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.
Đáng lưu ý, mức giá này được tính theo phương án giá nhiên liệu Jet A1 thời điểm tháng 12/2014, là 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít (tương đương khoảng gần 2,1 triệu đồng/thùng).
Trong khi đó, theo IATA, đến tháng 8/2018, giá nhiên liệu tại khu vực châu Á và châu Đại Dương đang ở mức 86,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,63 triệu đồng/thùng).
Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức trần khung dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, đặc biệt là với tuyến đường dài cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào có gốc ngoại tệ theo kiến nghị của các hãng hàng không là cần thiết.
Mặc dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về bình ổn giá, đảm bảo giữ vững mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát năm 2018, với quan điểm tăng cường tiết kiệm chi phí cung ứng dịch vụ, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất duy trì khung giá quy định như hiện nay.
Mỹ An (T/h)