Tại sao Ả Rập Saudi trở mặt với thủ tướng Lebanon?

Chơ vơ giữa sân bay, bị tịch thu điện thoại và buộc phải từ chức. Đó là hoàn cảnh mà Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri lâm vào kể từ khi máy bay đáp xuống Ả Rập Saudi hôm 3-11.

Theo các nguồn tin cấp cao thân cận ông Hariri cùng các chính khách và quan chức an ninh hàng đầu của Lebanon, không có vị hoàng thân quốc thích hoặc quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi chào đón theo thông lệ đối với một vị thủ tướng chính thức đến thăm vua Salman tại thủ đô Riyadh.

"Khi máy bay của ông Hariri tới thủ đô Riyadh, ngay lập tức ông ấy nhận thấy có điều gì đó không ổn. Không có ai đợi chờ ông ấy" - một nguồn tin thân cận với ông Hariri nói với hãng tin Reuters.

Ông Hariri còn bị tịch thu điện thoại và ngày hôm sau buộc tuyên bố từ chức trong bài phát biểu trên truyền hình được phát đi từ Ả Rập Saudi.

Hình ông Saad al-Hariri ở Beirut - Lebanon. Ảnh: REUTERS

Hình ông Saad al-Hariri ở Beirut - Lebanon. Ảnh: REUTERS

Một số nguồn tin nói Ả Rập Saudi kết luận rằng Thủ tướng Hariri – đồng minh lâu năm của Riyadh và là con của cố thủ tướng Rafik al-Hariri, người bị ám sát năm 2005 – buộc phải ra đi vì ông không sẵn sàng đối đầu với phong trào Hezbollah được Iran hậu thuẫn.

Nhiều nguồn tin của Lebanon cho biết Riyadh hy vọng sẽ thay thế ông Hariri bằng người anh trai Bahaa, vốn là chính trị gia hàng đầu theo dòng Sunni của Lebanon. Cũng theo các nguồn tin, ông Bahaa được cho là đang ở Ả Rập Saudi và các thành viên của gia đình ông Hariri được yêu cầu đi đến đó để cam kết trung thành với ông Bahaa nhưng họ đã khước từ.

Ả Rập Saudi cho đến giờ bác bỏ thông tin đã buộc ông Hariri từ chức, đồng thời nhấn mạnh ông ấy là một người tự do. Hãng Reuters chưa thể tiếp cận các quan chức của Ả Rập Saudi để hỏi về hoàn cảnh khi ông Hariri đến Riyadh.

Các nguồn tin thân cận với ông Hariri cho biết ông này thuyết phục các quan chức Ả Rập Saudi về sự cần thiết phải duy trì một thỏa thuận với Hezbollah vì sự ổn định của Lebanon. "Những gì xảy ra trong các cuộc họp, tôi tin là ông Hariri đã trình bày quan điểm về cách đối phó với Hezbollah ở Lebanon: cuộc đối đầu đó sẽ gây bất ổn cho đất nước. Tôi nghĩ họ không thích những gì họ nghe được", theo một trong các nguồn tin.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun Ảnh: REUTERS

Tổng thống Lebanon Michel Aoun Ảnh: REUTERS

Ông Hariri được mời tới Ả Rập Saudi để gặp vua Salman sau cuộc điện thoại vào tối 2-11. Trước khi lên đường, ông Hariri nói với các quan chức rằng sẽ tiếp tục bàn việc vào ngày 6-11.

Ngoài ra, ông cũng thông báo với bộ phận phụ trách truyền thông rằng ông sẽ gặp họ vào cuối tuần ở khu nghỉ mát Sharm al-Sheikh ở Biển Đỏ, nơi ông dự kiến gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi bên lề Diễn đàn Thanh niên Thế giới.

Ông Hariri đến giờ chưa có phát biểu công khai nào kể từ khi thông báo từ chức và không có dấu hiệu gì về thời điểm ông này trở về Lebanon.

Những diễn biến trên khiến giới chức Lebanon tin rằng ông Hariri bị ép ra đi. Tổng thống Lebanon Michel Aoun hôm 11-11 kêu gọi Ả Rập Saudi nêu rõ lý do ông Hariri không thể trở về nhà.

Tổng thống Aoun cũng nói với các đại sứ nước ngoài rằng ông Hariri bị "bắt cóc" và nên nhận được quyền miễn trừ ngoại giao. Động thái từ chức của ông Hariri đẩy Lebanon trở lại đường ranh giới của cuộc tranh chấp quyền lực giữa Ả Rập Saudi của người Sunni và Iran của người Shiite - một cuộc đối đầu đã gây ra nhiều biến động ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain.

H.Bình (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tai-sao-a-rap-saudi-tro-mat-voi-thu-tuong-lebanon-20171112101337596.htm