Tại sao Ấn Độ lại chọn máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Trong tuần này, Không quân Ấn Độ đã đưa vào trang bị 5 chiếc máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên trong hợp đồng đặt mua 36 máy bay trị giá 8,7 tỷ USD với Pháp.

Đây là điểm nhấn quan trọng sau hơn 1 thập kỷ thực hiện hợp đồng tham vọng mua sắm 126 máy bay chiến đấu mới thế hệ 4+ (MMRCA) của New Delhi.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều chuyên gia quân sự đã đưa vấn đề tại sao Không quân Ấn Độ lại chọn máy bay chiến đấu Rafale, thay vì các sản phẩm hàng không quân sự danh tiếng khác đến từ Nga, Mỹ, Thụy Điển và đặc biệt chú ý dòng máy bay chiến đấu châu Âu Eurofighter Typhoon (cùng lọt vào vòng chung kết của gói thầu MMRCA với Rafale) có giá thành hợp lý hơn. Tuy nhiên, New Delhi có lý do để lựa chọn sản phẩm máy bay chiến đấu của Pháp.

3 lý do khiến Rafale được chọn

Một trong những yếu tố chính để máy bay chiến đấu Rafale được Không quân Ấn Độ lựa chọn chính do khả năng chiến đấu đa năng. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và đặc điểm khí động học tuyệt vời giúp máy bay chiến đấu Rafale không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ không chiến, mà còn khả năng tấn công mặt đất bằng vũ khí chính xác cao và nhiệm vụ đột kích vào sâu trong hậu tuyến đối phương. Đây là yếu tố tạo ra sức cạnh tranh của Rafale so với không chỉ Eurofighter Typhoon, mà còn cả các dòng máy bay chiến đấu khác tham gia dự thầu tại Ấn Độ.

 Dù có giá thành cạnh tranh hơn, nhưng Ấn Độ lựa chọn máy bay Rafale vì các lợi ích cốt lõi.

Dù có giá thành cạnh tranh hơn, nhưng Ấn Độ lựa chọn máy bay Rafale vì các lợi ích cốt lõi.

Yếu tố khác là phía Pháp dù không đề cập, nhưng đã ngầm đồng ý cho phép Ấn Độ được sử dụng máy bay chiến đấu Rafale cho nhiệm vụ tấn công hạt nhân. Trong quá trình đàm phán năm 2017 giữa giới chức quốc phòng Ấn Độ và Pháp, cả hai bên đều đồng thuận về khả năng New Delhi có toàn quyền sử dụng máy bay Rafale trong các nhiệm vụ cấp chiến lược. Yếu tố này không xuất hiện ở các sản phẩm khác, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Dù hãng chế tạo hàng không quân sự châu Âu Airbus Defense and Space, nơi phát triển Eurofighter Typhoon, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ tích hợp vũ khí hạt nhân lên máy bay chiến đấu, nhưng không có bất kỳ thỏa thuận ràng buộc nào được đưa. Mặt khác, nước Đức, một thành viên tham gia phát triển máy bay Eurofighter Typhoon, luôn theo đuổi chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân khiến việc đáp ứng đòi hỏi của Ấn Độ tích hợp vũ khí hạt nhân lên máy bay Eurofighter Typhoon gần như bất khả thi.

Một điểm quan trọng khiến máy bay Rafale được chọn là Pháp tuyên bố sẵn sàng chia sẻ những công nghệ lõi của dòng máy bay chiến đấu hiện đại này cho Ấn Độ. Hãng chế tạo Pháp Dassault sẵn sàng hỗ trợ đại diện Ấn Độ là hãng chế tạo Hindustan Aeronautics Limited (HAL) tiếp cận và làm chủ dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu Rafale để từ đó tích hợp các công nghệ hiện đại lên các dòng máy bay chiến đấu nội địa tương lai của Ấn Độ. Đây có thể coi là điểm cốt lõi giúp Dassault giành được hợp đồng tới 20 tỷ USD với Ấn Độ. Trong khi đó, Eurofighter Typhoon là sản phẩm hợp tác các quốc gia châu Âu. Việc tìm được tiếng nói đồng thuận chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ là rất khó khăn.

Chưa sẵn sàng để nhận công nghệ chuyển giao

Khoa học, kỹ thuật quân sự, đặc biệt là các ngành lĩnh vực công nghệ cao như hàng không quân sự là lĩnh vực công nghệ đặc thù, muốn hấp thu được cần có nền tảng khoa học cơ bản đạt ngưỡng nhất định. Nếu thiếu điều này, quốc gia được chuyển giao công nghệ sẽ không tiếp thu được công nghệ chuyển giao để áp dụng vào các sản phẩm quân sự nội địa, mà thậm chí là lệ thuộc công nghệ vào quốc gia xuất khẩu.

Đây chính là tình huống mà Ấn Độ gặp phải với hãng chế tạo Dassault (Pháp) trong gói thầu MMRCA.

 Không quân Ấn Độ tiếp nhận 5 chiếc Rafale đầu tiên.

Không quân Ấn Độ tiếp nhận 5 chiếc Rafale đầu tiên.

Tất cả mọi thủ tục về tài chính và công nghệ được hai bên thông qua, nhưng Dassault từ chối cấp chứng chỉ kiểm soát chất lượng cho máy bay chiến đấu Rafale do HAL lắp ráp tại Ấn Độ. Và Dassault có lý do cho điều này. Máy bay chiến đấu Rafale là sản phẩm hàng không quân sự châu Âu có độ tinh xảo và yêu cầu quản lý chất lượng nghiêm ngặt, trong khi HAL hiện vẫn đáp ứng được các điều kiện trên. Phía Pháp cũng quan ngại việc nếu “làm ngơ” cấp chứng nhận cho sản phẩm lắp ráp tại Ấn Độ, trong quá trình sử dụng sau này, máy bay Rafale gặp trục trặc sẽ là tiền lệ và ấn tượng xấu đối với vũ khí, trang bị có nguồn gốc Pháp.

Mặt khác, HAL cũng có nhiều tai tiếng xấu biến “lợn lành thành lợn què” trong quá trình duy tu, bảo dưỡng các đơn vị máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ. Nhiều đơn vị máy bay Mig-21, Mig-27 và Su-30MKI đang hoạt động tốt, sau khi được HAL bảo dưỡng đã gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, thậm chí là tai nạn. Dù nhiều lý do được đưa ra để giải thích, nhưng không thể phủ nhận việc trình độ công nghệ của hãng chế tạo hàng không hàng đầu của Ấn Độ cũng còn nhiều hạn chế.

Đây có thể là lý do chính khiến MMRCA được thu gọn thành hợp đồng cung cấp 36 máy bay Rafale nhập khẩu nguyên chiếc từ Pháp.

 Chuyển giao công nghệ đang là rào cản lớn nhất với các hợp đồng quân sự quy mô lớn của Ấn Độ.

Chuyển giao công nghệ đang là rào cản lớn nhất với các hợp đồng quân sự quy mô lớn của Ấn Độ.

Gần đây, sau khi hợp đồng mua máy bay Rafale với Dassault không đạt được các mong muốn của Ấn Độ, New Delhi dự kiến sẽ mở gói thầu mới tìm mua các dòng máy bay chiến đấu hiện đại với điều kiện tiên quyết là chuyển giao công nghệ. Không quân Ấn Độ sau khi loại bỏ các đơn vị máy bay chiến đấu cũ đang lâm vào tình cảnh thiếu máy bay trầm trọng. Nếu không được giải quyết sớm, trong vòng 1 thập kỷ tới, Không quân Ấn Độ sẽ thiếu tới hàng trăm máy bay chiến đấu và không đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-an-do-lai-chon-may-bay-chien-dau-rafale-cua-phap-635056