Tại sao áo dài được lựa chọn là di sản văn hóa phi vật thể?
Việt Nam đang nỗ lực để công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia hướng tới đề trình ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, vì sao áo dài lại được lựa chọn là di sản văn hóa phi vật thể (không thể nhìn thấy hay chạm vào) là vấn đề chưa nhiều người biết rõ.
Để rõ hơn về lý do Việt Nam lựa chọn áo dài là DSVHPVT, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (một trong 12 thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ của UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2020).
Được biết, áo dài Việt Nam đang trong quá trình làm hồ sơ để được công nhận là DSVHPVT. Tại sao, chúng ta lại lựa chọn áo dài là DSVHPVT mà không phải là di sản vật thể?
Đối với một di sản nói chung, chúng ta phải xem giá trị, chức năng của nó như thế nào để lựa chọn. Ví dụ, áo dài nếu xét về ngữ nghĩa chỉ là một tà áo, hiện vật. Nhưng từ lâu, áo dài có giá trị và đã trở thành bản sắc của người Việt ở Việt Nam. Do vậy, áo dài là một vấn đề văn hóa, xã hội. Nghĩa là, áo dài có chức năng về văn hóa, xã hội đối với người mặc áo dài, với các tập tục văn hóa, ý nghĩa của các biểu tượng gắn trên áo dài, màu sắc và cộng đồng thực hành áo dài (những người may, thiết kế, người trong thập niên trước đã tạo nên cuộc cách mạng cho áo dài để tạo thành những kiểu dáng áo dài hiện nay).
Nếu chúng ta lựa chọn áo dài là DSVH vật thể thì phải làm theo một Công ước 1972, phi vật thể là Công ước 2003. 2 công ước này có tiêu chí khác nhau. Công ước 1972 yêu cầu di sản đệ trình được ghi danh của UNESCO phải có giá trị toàn cầu. Áo dài lại mang tính truyền thống, văn hóa của Việt Nam thì giá trị toàn cầu ở đâu? Chúng ta không thể làm được.
Ví dụ như vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long thì chắc chắn mang giá trị toàn cầu. Nhưng Yên Tử liệu có yếu tố gì mang giá trị toàn cầu để ta làm hồ sơ vật thể trong Công ước 1972. Hay là lại là giá trị phi vật thể là những điều tâm linh ở Việt Nam.
Do đó, khi đệ trình áo dài là văn hóa phi vật thể, chúng ta phải nhìn thấy những điều không nhìn thấy được. Những giá trị đó rất vô giá, gắn với con người, văn hóa, xã hội, cuộc sống của Việt Nam.
Trong danh mục DSVHPVT có nhiều hạng mục khác nhau, bà có thể cho biết, Việt Nam sẽ lựa chọn hạng mục nào áo dài Việt Nam?
Trong Công ước 2003 có 4 hạng mục gồm: Danh sách DSVHPVT đại diện cho nhân loại; Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp; Những đăng ký thực hành tốt nhất; Hồ sơ xin tài trợ bảo vệ DSVHPVT trên 100.000 USD. Ở Việt Nam, chúng ta mới tham gia 2 danh sách là: Danh sách đại diện và danh sách khẩn cấp. Như vậy có thể thấy một cách rõ ràng, áo dài là DSVHPVT mang tính đại diện vì đang có sức sống và trường tồn với văn hóa, con người Việt Nam.
Vừa qua, Bộ VHTT&DL có tổ chức Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán và giá trị bản sắc” và một chuỗi các hoạt động khác về áo dài. Xin bà cho biết, các sự kiện này tổ chức có ý nghĩa gì?
Áo dài là chủ đề ai cũng nói đến nhưng từ xưa đến giờ chỉ có 2 hội thảo. Đây có thể coi là hội thảo lớn nhất mang tầm quốc gia. Tôi rất ngạc nhiên tại sao rất ít hội thảo nghiên cứu về áo dài. Thời điểm này, trong chuỗi sự kiện liên quan đến áo dài (Festival áo dài, trình diễn áo dài, Ngày Áo dài Việt Nam) để hướng tới công nhận áo dài là DSVHPVT thì Hội thảo là bước đệm để tập trung trí tuệ của các nhà nghiên cứu để làm rõ các vấn đề về lịch sử, sự phát triển, sự thay đổi, thiết kế, trình diễn thời trang và đặc biệt tập trung vào vấn đề nhận diện cộng đồng, giá trị để chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ đưa áo dài vào danh mục DSVHPVT của quốc gia, tiến tới trình trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Trong qua trình thực hiện hồ sơ để công nhận áo dài là DSVHPVT có những thuận lợi, khó khăn gì thưa bà?
Để làm một hồ sơ nói chung về danh sách phi vật thể và hồ sơ áo dài nói riêng có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những khó khăn này phụ thuộc vào từng loại hình. Ví dụ, nếu chúng ta làm về một lễ hội hay nghi lễ thì bản chất nó đã là phi vật thể thì rất dễ làm. Đối với việc làm hồ sơ những cái chúng ta nhìn vào đó là vật thể như áo dài, tranh Đông Hồ thì đòi hỏi chúng ta phải xác định được các khía cạnh thể hiện được hồn cốt di sản đó.
Mọi người đều nghĩ, áo dài Việt Nam rất xứng đáng. Nhưng phải nhìn nhận rằng, áo dài là hiện vật và chúng ta có thể chạm vào được. Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về di sản, các nhà sưu tầm để xem giá trị phi vật thể áo dài là gì để có thể xác định rõ ràng các yếu tố, đưa vào hồ sơ.