Tại sao cảm xúc của con người lại khác nhau?

Chúng ta đều từng cảm thấy lo lắng, sợ hãi và tức giận. Chúng ta từng cảm thấy giận dữ, tuyệt vọng, bối rối, cô đơn.

 Ảnh: happyify.

Ảnh: happyify.

Điều tôi biết bây giờ là mẹ cảnh báo tôi về tương lai do bà bị quá khứ hành hạ và lo sợ tình cảnh đó sẽ lặp lại. Bà luôn nói với tôi rằng cuộc đời nhìn có vẻ tươi đẹp lúc này nhưng đó chỉ là sương khói và ảo ảnh, sớm muộn gì cũng bị thay thế bởi ác mộng.

Không thừa nhận rằng ước đoán của mình về những tai ương trong tương lai bắt nguồn từ nỗi sợ hãi chứ không phải thực tế, bà tin rằng những dự đoán tàn khốc đó là rất có cơ sở. Và vì vậy, lo lắng và sợ hãi bao giờ cũng thường trực trong bà.

Bố tôi - nguyên là một người kháng chiến, sống sót từ cái trại chết chóc Buchenwald - cũng đã trải qua những tổn thương tương tự về mặt tinh thần. Ông bà gặp nhau như những người tị nạn sau khi chiến tranh kết thúc và cùng nhau trải qua hầu hết các sự kiện trong suốt phần đời còn lại. Nhưng họ có những phản ứng khác nhau, bố tôi luôn tràn đầy tự tin và lạc quan.

Tại sao phản ứng của bố mẹ tôi với các sự kiện lại khác nhau như vậy? Hay nói một cách tổng quát hơn thì, cảm xúc gì? Tại sao chúng ta lại có những cảm xúc ấy và chúng nảy sinh trong não bộ chúng ta như thế nào? Chúng ảnh hưởng ra sao đến suy nghĩ, phán đoán, động lực và các quyết định của chúng ta, và chúng ta có thể kiểm soát chúng như thế nào? Đây là những câu hỏi mà tôi sẽ đề cập đến trong cuốn sách này.

Não bộ của con người thường được so sánh với một cái máy tính, nhưng quá trình xử lý thông tin mà máy tính này thực hiện lại đan bện chặt chẽ với hiện tượng cực kỳ bí ẩn mà chúng ta gọi là cảm xúc.

Tất cả chúng ta đều từng cảm thấy lo lắng, sợ hãi và tức giận. Chúng ta từng cảm thấy giận dữ, tuyệt vọng, bối rối, cô đơn. Chúng ta từng cảm thấy vui sướng, tự hào, phấn khích, mãn nguyện, ham muốn và yêu thương.

Khi tôi còn nhỏ, các nhà khoa học có rất ít ý tưởng về chuyện những cảm xúc đó hình thành như thế nào, làm sao có thể chế ngự chúng, và mục đích của cảm xúc là gì hay tại sao hai người - hoặc cùng một cá nhân vào những thời điểm khác nhau - có thể phản ứng với cùng những kích hoạt cảm xúc theo những cách khá khác nhau.

Các nhà khoa học hồi đó tin rằng tư duy duy lý có ảnh hưởng nổi trội đến hành vi của chúng ta và khi cảm xúc đóng một vai trò nào đó, thì chúng lại thường có tác dụng ngược lại. Ngày nay chúng ta đã biết rõ hơn. Chúng ta biết rằng cảm xúc cũng quan trọng như lý trí trong việc định hướng suy nghĩ và quyết định của chúng ta, mặc dù nó hoạt động theo một cách khác.

Trong khi tư duy duy lý cho phép chúng ta rút ra những kết luận logic dựa trên các mục tiêu và dữ liệu liên quan, thì cảm xúc hoạt động ở cấp độ trừu tượng hơn - nó ảnh hưởng đến tầm quan trọng mà chúng ta gán cho các mục tiêu và trọng lượng được gắn cho các dữ liệu. Nó tạo thành khuôn khổ cho những đánh giá của chúng ta, không chỉ ở tính xây dựng mà còn ở sự cần thiết nữa.

Bắt nguồn từ cả kiến thức lẫn kinh nghiệm trong quá khứ, cảm xúc làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về hoàn cảnh hiện tại và triển vọng tương lai, thường theo những cách rất tinh tế nhưng logic.

Phần lớn sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề này đều có được nhờ những tiến bộ chỉ trong vòng một thập niên qua, giai đoạn mà những nghiên cứu trong lĩnh vực này bùng nổ chưa từng có. Cuốn sách này sẽ nói về cuộc cách mạng trong sự hiểu biết của chúng ta về những tình cảm của con người.

Leonard Mlodinow/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-cam-xuc-cua-con-nguoi-lai-khac-nhau-post1493700.html