Tại sao châu Âu cần quỹ phòng thủ chung ngoài EU?
Một nhóm chuyên gia gần đây đề xuất châu Âu nên mở một quỹ phòng thủ chung không bị ràng buộc bởi EU, cho phép các quốc gia bên ngoài khối như Anh tham gia quỹ này.

Châu Âu cần khẩn trương giải quyết thiếu sót về phòng thủ. Ảnh: Reuters.
Trong tất cả cú sốc giáng xuống châu Âu 3 tháng qua, không có cú sốc nào tàn khốc bằng việc lục địa già nhận ra họ dường như không thể trông chờ vào chiếc ô an ninh của Mỹ nữa. Ngay cả khi châu Âu đã lường trước thái độ của ông Donald Trump, ít ai tưởng tượng được về một thế giới nơi tổng thống Mỹ công khai bêu rếu nguyên thủ quốc gia của đồng minh châu Âu ngay tại Phòng Bầu dục, dừng chia sẻ thông tin tình báo ngay giữa xung đột hay đơn phương liên lạc đàm phán với Nga.
Cú sốc này còn tồi tệ hơn nữa khi châu Âu nhận ra họ không có khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Châu Âu liên tục kêu gọi Mỹ nền hòa bình lâu dài tại Ukraine cần đảm bảo an ninh vững chắc, và họ dường như không thể tự mình làm vậy nếu không có Mỹ. Riêng việc thành lập "lực lượng gìn giữ hòa bình" tại Ukraine đã khiến Anh và Pháp đau đầu, chứ chưa nhắc tới bù đắp lỗ hổng phòng không và tình báo chiến trường nếu Mỹ rút hoàn toàn.
Do đó, châu Âu cần khẩn trương giải quyết thiếu sót về phòng thủ.
Một cánh cửa tiềm năng
Tin tốt là nhiều thành viên đang đồng tình với ý tưởng này. Hầu hết thành viên NATO từ châu Âu cam kết đạt mục tiêu quốc phòng 2% GDP trong năm 2025. Trong khi đó, EU tạo ra cơ chế cho phép các thành viên vay vốn giá rẻ cho chi tiêu quốc phòng và điều chỉnh quy tắc tài chính miễn tính toán chi tiêu quốc phòng khỏi nợ quốc gia.
Tin xấu là những bước đi này chưa đủ mạnh. Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh các thành viên cần tăng chi tiêu quốc phòng lên cao hơn đáng kể so với 3% GDP. Hơn nữa, điều chỉnh quy tắc tài chính và tung ra khoản vay giá rẻ không hỗ trợ nhiều cho những quốc gia EU mắc nợ lớn. Trong khi đó, không quốc gia châu Âu nào tự cung cấp "công cụ hỗ trợ chiến lược" như Mỹ.

Hầu hết thành viên NATO từ châu Âu cam kết đạt mục tiêu quốc phòng 2% GDP trong năm 2025. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn còn một con đường khác. Gần đây, theo bài báo của nhóm nghiên cứu Bruegel, ba nhà kinh tế học Guntram Wolff, Armin Steinbach và Jeromin Zettelmeyer đề xuất châu Âu mở một quỹ phòng thủ chung cho tất cả quốc gia tham gia, theo thời gian có thể chuyển đổi năng lực phòng thủ của châu lục.
Không còn nhiều lựa chọn
Đề xuất này đặc biệt hấp dẫn vì giải quyết được tất cả thách thức chính trong mọi kế hoạch tái vũ trang. Theo đề xuất, quỹ sẽ mở cho cả một số quốc gia chủ chốt trong lĩnh vực quốc phòng của châu lục như Anh, Na Uy và Thụy Sĩ - những quốc gia không phải thành viên EU, trong khi cho phép những thành viên EU trung lập theo hiến pháp không muốn tham gia vào các sáng kiến quốc phòng chung. Và không giống EU, quỹ không bị ràng buộc bởi quyền phủ quyết của các thành viên không theo đuổi giá trị chung.
Thứ hai, quỹ sẽ hoạt động như ngân hàng tái vũ trang, cho vay trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu để mua vũ khí thay mặt cho các thành viên, nhưng các khoản nợ sẽ không nằm trong bảng cân đối kế toán quốc gia cho đến khi các thành viên nhận được vũ khí vào thời điểm tự lựa chọn. Nếu dành quỹ mua hệ thống vệ tinh hoặc phòng không chung châu Âu, những hàng hóa này được thanh toán bằng phí dịch vụ hàng năm mà không làm tăng thêm áp lực tài chính cho từng nước.

Châu Âu đang chuẩn bị cho một thế giới nơi họ không thể trông chờ vào khả năng Mỹ đảm bảo an ninh cho lục địa. Ảnh: Reuters.
Thứ ba, cơ chế này khắc phục một trong những vấn đề lớn nhất trên thị trường quốc phòng châu Âu: Thiếu đồng bộ, vốn được củng cố bởi xu hướng ưu tiên hàng nội địa. Hệ quả là có quá nhiều sản phẩm, quy mô đơn hàng quá nhỏ và cạnh tranh quá ít, dẫn đến giá cao hơn. Ngay cả các quốc gia lớn cũng thường đặt hàng số lượng nhỏ. Kể từ năm 2022, Đức chỉ đặt 123 xe tăng Leopard 2, dự kiến giao vào năm 2030. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu vận hành 12 xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau, trong khi Mỹ chỉ có một.
Hiện tại, EU chưa thể khắc phục tình trạng này, khi các hiệp ước EU có điều khoản 346 miễn trừ riêng cho lĩnh vực quốc phòng. Do đó, mọi kế hoạch thúc đẩy mua sắm chung dựa trên đấu thầu cạnh tranh và không phân biệt đối xử không có tính ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, do quỹ mới sẽ dựa trên hiệp ước liên chính phủ ngoài EU nên sẽ không cần tuân theo điều khoản này. Lý tưởng hơn nữa, triển vọng về một nhà thầu châu Âu lắm tiền nhiều của sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đầu tư vào các công nghệ hiện chỉ có trên thị trường Mỹ, như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, một số hệ thống phòng không, hệ thống pháo phản lực tương tự HIMARS và trực thăng vận tải hạng nặng. Điều này sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào quân sự quốc phòng Mỹ.
Dẫu vậy, những đề xuất mới sẽ buộc các nước đưa ra các lựa chọn khó khăn. Với Anh - nước đã rời khỏi EU chưa đầy một thập niên trước, đây sẽ là bước lùi lớn, quay trở lại con đường hướng tới hội nhập châu Âu. Đối với các nước từ lâu phản đối vay nợ chung châu Âu như Đức và Hà Lan, họ cần thống nhất vượt qua rào cản chính trị. Nhiều quốc gia nhỏ sẽ lo lắng về rủi ro với ngành sản xuất quốc phòng.
Tuy nhiên, dường như châu Âu không còn nhiều lựa chọn trong một thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-chau-au-can-quy-phong-thu-chung-ngoai-eu-post1551417.html