Tại sao Châu Âu chưa khai thác trữ lượng khí khổng lồ của mình?
Các ước tính cho thấy các nước Châu Âu có lượng khí đá phiến dự trữ nhiều hơn Mỹ, nhưng vấn đề khai thác từ lâu đã gây tranh cãi vì sự phản ứng của dư luận, không giống như ở khu vực Bắc Mỹ.
Sự phản đối mạnh mẽ của công chúng - cùng với những lo ngại về thuế, sự chậm trễ trong quy định và sản lượng kém từ một số mỏ thử nghiệm - đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ việc khai thác khí đá phiến, theo TTXVN.
Các công ty như Exxon Mobil, Chevron và TotalEnergies đã phải từ bỏ các dự án ở Ba Lan sau khi việc thăm dò gây thất vọng. Nguồn khí kém cũng khiến tiến độ ở Đan Mạch bị đình trệ.
Bên cạnh đó, ở Châu Âu không tồn tại một số điều kiện để thúc đẩy việc khai thác khí đá phiến như ở Mỹ. Ở hầu hết các quốc gia Châu Âu, nhà nước chứ không phải chủ đất tư nhân có quyền sở hữu nguồn khoáng sản đối với dầu và khí đốt trong lòng đất. Thực tế, điều này có nghĩa là việc khai thác mỏ không mang lại nguồn thu tài chính lớn cho các chủ đất ở Châu Âu.
Để thu hút sự ủng hộ của công chúng hơn đối với công nghệ này, Chính phủ Anh và một số công ty trước đây đã đề xuất các khoản thanh toán trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường đã phản đối mạnh mẽ động thái này, coi các khoản thanh toán như hối lộ. Tình hình không được cải thiện bởi thực tế là mật độ dân số ở Châu Âu cao hơn gấp 3 lần so với ở Mỹ, dẫn đến nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng công nghệ gây nứt vỡ thủy lực vào việc khai thác dầu đá phiến cũng gây ảnh hưởng đến môi trường chủ yếu do phát thải trực tiếp khí cacbonic và mêtan độc hại, cả hai đều là khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh.
Sẽ rất thú vị khi xem liệu giá năng lượng cao kỷ lục cuối cùng có thuyết phục được Châu Âu thay đổi quan điểm về quá trình khai thác khí đá phiến hay không. Một số quốc gia châu Âu đã phải quay trở lại sử dụng than đốt ở mức kỷ lục để duy trì lưới điện, nhưng gây ảnh hưởng đến mục tiêu khí hậu của họ.
Thực hiện : Lại Đoàn