Tại sao châu Phi tránh được 'thảm họa' Covid-19?
Dân số trẻ, mật độ dân cư thưa thớt hay mức độ phơi nhiễm với các loại virus corona khác có thể là nguyên nhân giúp châu Phi có số ca mắc và tử vong thấp.
Một số nhà khoa học đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về tác động của đại dịch Covid-19 ở châu Phi - nơi vốn được xem là có hệ thống y tế kém hiện đại hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Coversation nhận định châu lục này được dự đoán sẽ phải gánh chịu làn sóng dịch với nhiều ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Tuy nhiên, may mắn là những dự đoán này không thành hiện thực. Nhiều tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả châu Phi là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới” trong các báo cáo hàng tuần về dịch bệnh.
Theo báo cáo công bố ngày 16/11, châu Phi - lục địa có hơn 1 tỷ người - chỉ ghi nhận 13.674 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 7 ngày trước đó, giảm 33%, chiếm chưa tới 1% tổng số ca mới ghi nhận toàn cầu. Con số này thấp hơn nhiều so với ở châu Âu, châu Á hoặc châu Mỹ.
Về số ca tử vong trong 7 ngày trước đó, châu Phi báo cáo khoảng 548 trường hợp, so với 28.304 ở châu Âu, 12.791 ở châu Mỹ và 3.530 ở Đông và Nam Á. Dữ liệu cho thấy tổng số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.
Có một số lý do khiến dự đoán về tác động của Covid-19 lên châu Phi sai lệch. Một bài viết trên Coversation đã đề xuất 2 nguyên nhân chính: Kiến thức khoa học hạn chế về cách virus hoạt động trong các quần thể và môi trường khác nhau, và việc đánh giá thấp khả năng ứng phó với đại dịch của châu Phi.
Một bài viết khác đã đưa ra vài lời giải thích khác về điều đã giúp châu Phi tránh được hậu quả thảm khốc mà Covid-19 gây ra.
Dân số trẻ
Vào thời điểm đầu, hành động nhanh chóng được coi là chìa khóa chống dịch. Ai Cập là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 vào ngày 14/2/2020. Do lo ngại Covid-19 sẽ nhanh chóng áp đảo hệ thống y tế, hầu hết chính phủ châu Phi đã đưa ra các biện pháp quyết liệt để làm chậm sự lây lan của virus.
Chính phủ, gần như ngay lập tức, yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp y tế công cộng - bao gồm tránh bắt tay, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Một số quốc gia - như Lesotho - hành động ngay cả trước khi ca mắc đầu tiên ghi nhận. Tới tận tháng 5/2020, Lesotho mới báo cáo ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Ngoài ra, độ tuổi dân số của hầu hết quốc gia châu Phi đóng vai trò nhất định trong ngăn chặn tỷ lệ tử vong vì Covid-19.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 9 trên GHSP Jourrnal, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ báo cáo 80% ca tử vong vì Covid-19 xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên. Dữ liệu từ Vương quốc Anh chứng minh nhóm nguy cơ qua đời cao nhất khi mắc Covid-19 là người cao tuổi.
Độ tuổi trung bình ở Bắc và Nam Mỹ, châu Âu và châu Á dao động từ 32 đến 42,5 với 8,9%-19,1% dân số trên 65 tuổi. Trong khi đó, cơ cấu nhân khẩu học châu Phi cận vùng Sahara trẻ hơn nhiều với độ tuổi trung bình là 18 và chỉ có 3% người trên 65 tuổi.
Nghiên cứu đã so sánh Canada và Uganda, hai quốc gia có quy mô dân số tương tự nhau. Ở Canada, độ tuổi trung bình là 41,1 với 18% dân trên 65 tuổi, trong khi đó những con số này ở Uganda lần lượt là 16,7 và 2%.
Tính tới ngày 22/11, Canada ghi nhận 1,77 triệu ca mắc và 29.543 ca tử vong, cao hơn nhiều so với con số 127.000 và 3.256 của Uganda.
Một lý do khác cũng được đề cập là hầu hết người cao tuổi ở châu Phi không sống trong cơ sở chăm sóc sức khỏe như viện dưỡng lão, trong khi nhiều quốc gia khác thì có. Những cơ sở này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong đợt dịch đầu tiên, khoảng 81% trường hợp tử vong ở Canada đến từ các cơ sở này.
Người già ở châu Phi thường sống ở vùng nông thôn. Do đó, tại đây có mật độ dân số thấp nên việc duy trì giãn cách xã hội cũng dễ dàng hơn nhiều. Hệ thống giao thông kém phát triển cũng khiến người châu Phi ít đi lại hơn so với các nền kinh tế lớn khác, hạn chế việc tiếp xúc.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho rằng việc tiếp xúc trước với loại virus corona đã lưu hành sẽ giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh Covid-19, nếu người đó đã phát triển kháng thể.
Nghiên cứu đăng trên The Journal of Clinic Investigation chứng minh rằng việc từng tiếp xúc với virus corona đặc hiệu sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong và bệnh nặng thấp hơn so với những người chưa từng tiếp xúc. Tương tác giữa người và dơi rất phổ biến ở một số vùng nông thôn của châu Phi.
Ngoài ra, có những lo ngại rằng việc xét nghiệm ở châu Phi còn hạn chế, vậy nên chưa thể ghi nhận đầy đủ tình hình Covid-19 tại lục địa này.
Hệ thống y tế cộng đồng có ích
Trái ngược với các quốc gia có thu nhập cao tập trung vào bệnh không lây nhiễm, nhiều tổ chức y tế ở châu Phi cận Sahara lại tập trung vào bệnh truyền nhiễm. Việc hình thành tổ chức y tế công cộng quốc gia là chìa khóa quan trọng trong việc kiềm chế bệnh truyền nhiễm ở châu Phi thông qua giám sát, chẩn đoán và phản ứng nhanh với các đợt bùng phát.
Đại dịch Covid-19 xảy ra vào thời điểm CHDC Congo đang đối phó với đợt bùng phát dịch Ebola lớn nhất. Các quốc gia lân cận đã trong trạng thái cảnh giác cao độ, việc kiểm tra sức khỏe hành khách với Ebola đã mở rộng sang cả Covid-19.
Một số quốc gia Tây Phi - nơi đối mặt với đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất thế giới từ năm 2013-2016 - cũng đã thành thạo các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cách ly người nhiễm bệnh, truy vết người tiếp xúc gần, sau đó đưa họ đi cách ly trong lúc đợi kết quả xét nghiệm.
Tại quốc gia đông dân nhất châu Phi, Nigeria, các đội y tế - từng đi vào mọi ngôi làng để tiêm chủng cho trẻ em chống lại bệnh bại liệt - đã nhanh chóng được tái lập nhằm mục đích giáo dục cộng đồng về đại dịch mới.
"Chúng tôi ngay lập tức huy động các nhân viên, theo dõi ca tiếp xúc gần và tiến hành thăm khám", tiến sĩ Rosemary Onyibe, người từng làm việc trong chương trình xóa bỏ bệnh bại liệt, nói vào tháng 4/2020.
Nhưng tất cả những điều này không có nghĩa là châu Phi có thể thả lỏng, và vẫn cần vaccine Covid-19. Hiện mới chỉ có 6% dân số tại châu Phi tiêm chủng đầy đủ. Sự lây lan chậm đồng nghĩa với việc có khả năng đại dịch sẽ tiếp tục dai dẳng với những đợt bùng phát không thường xuyên.
Ngoại lệ của châu Phi
Trái ngược với phần còn lại của châu Phi, Nam Phi có tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến Covid-19 cao hơn đáng kể.
Điều này được Coversation lý giải là do nước này có độ tuổi trung bình cao hơn và có hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe mạnh, nên khả năng chẩn đoán và xét nghiệm tốt hơn, dẫn đến số ca được ghi nhận cao hơn.
Xu hướng này phù hợp với tình trạng trên toàn cầu khi các nước phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV và lao cao hơn ở Nam Phi tỷ lệ thuận với tỷ lệ tử vong do Covid-19, theo nghiên cứu đăng trên trang National Library of Medicine. Nam Phi là nước có số ca tử vong và ca mắc cao nhất châu Phi.
Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm của nước này cũng cao hơn phần còn lại của khu vực, nên điều này có thể góp phần làm tăng gánh nặng Covid-19.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-chau-phi-tranh-duoc-tham-hoa-covid-19-post1279220.html